Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Thành công từ mô hình ương tôm giống trong bể bạt đạt hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây phong trào nuôi tôm càng xanh phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân. Nhận thấy nhiều nông dân đầu tư nuôi tôm càng xanh ngày càng  nhiều do đó nhu cầu về con giống là rất cần thiết nên nhiều năm nay anh Anh Nguyễn Kỳ Viên ở ấp An Hòa xã An Thạnh huyện Mỏ Cày Nam đã tìm hiểu học hỏi và ương thành công tôm giống trong bể bạt phục vụ nguồn con giống cho bà con nuôi tôm tại địa phương.

Trong khoảng 5 năm về trước thông qua lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ương các loài thủy sản trong và ngoài huyện. Anh Viên đã bắt đầu thử nghiệm làm vèo ương tôm giống. Đã 5 năm kinh nghiệm trong thực hiện quy trình ương tôm giống, anh Viên trở thành chủ cơ sở sản xuất tôm giống cung cấp giống cho những hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện.

Anh Viên cho biết: trước đây, anh ương tôm giống trong vèo lưới nhưng qua nhiều năm thực hiện anh thấy đạt hiệu quả không cao và khó khăn trong khâu chăm sóc. Anh ương 6 vèo lưới, mỗi vèo có diện tích 8 m2 với 80.000 con tôm post. Do ương ở vèo ảnh hưởng bởi nguồn nước khó kiểm soát nên tỷ lệ tôm hao hụt cao, tỷ lệ sống chỉ đạt từ 60 -70%. Lợi nhuận không khá, khoảng 2 năm sau, anh tiến hành đào ao chuyển sang mô hình ương tôm giống trong bể bạt. Vụ đầu anh ương thành công và thời gian sau anh chuyển hoàn toàn các vèo lưới sang nuôi trong 3 bể bạt với diện tích 70 m2 mỗi ao. Sau khi cải tạo ao đất, anh Viên mua tôm post từ các trại giống về thả ương.

Chia sẻ kĩ thuật ương tôm giống, anh Viên cho biết: “Ban đầu khi mua tôm post về ương, tôi đã không thả trực tiếp xuống bể mà cho vào một cái thao nhỏ thả tôm post vào thao sau đó cho nước vào từ từ nhằm hạ độ mặn và điều hòa nhiệt độ, tránh tôm khi thả trực tiếp xuống nguồn nước nhằm làm thuần nhiệt và độ mặn tránh tôm bị sốc khi thả thẳng ra môi trường nước ngọt.

Theo anh Viên, kĩ thuật ương tôm giống tương đối dễ. Mật độ thả nuôi 1000 con/m2, trong bể nuôi cần thả vài tàu lá dừa làm giá thể cho tôm con trú ngụ. Tôm con chỉ ăn thức ăn công nghiệp, mỗi ngày anh cho tôm ăn 5 lần. Cứ cách 4 giờ anh tiến hành cho tôm ăn một lần. Trong suốt thời gian nuôi trong khoảng 2 tuần đầu anh không thay nước nhằm giữ màu nước ổn định, tôm mới thả ra môi trường tự nhiên tránh cho tôm khỏi bị động nước. Ở những lần sau cứ mỗi tuần anh thay nước hai lần đảm bảo nguồn nước sạch cho tôm phát triển và giảm rủi ro tôm chết do nguồn nước bị ô nhiễm.

Anh đầu tư 3 bể bạt, mỗi bể có diện tích 70 m2, chi phí đầu ao và cả con giống khoảng 8 triệu đồng mỗi bể. Khi mua tôm post giá chỉ 160 đồng/con, qua thời gian nuôi dưỡng, sau  30 ngày ương tôm đạt trọng lượng 3cm/con. Thị trường tiêu thụ tôm giống rất thuận lợi. Giá tôm giống hiện nay từ 600-800 đồng/con. Mỗi năm anh tiến hành ương từ 3 đến 4 vụ. Mỗi năm anh xuất bán từ 120.000 – 150.000 con tôm giống chủ yếu cung cấp tôm giống cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện. Sau thu hoạch anh lãi từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi năm.

So sánh hiệu quả từ ương tôm giống trong vèo lưới và trong bể bạt anh Viên cho biết: Nuôi trong bể bạt tỷ lệ sống đạt cao hơn so với ương trong vèo lưới. Nuôi trong bể bạt tỷ lệ tôm sống đạt từ 85 -90%.  Để đạt hiệu quả cao, bể nuôi cần đảm bảo nguồn nước phải sạch. Trước khi thả tôm post anh xử lí nước bằng clor hoặc thuốc tím để diệt đi mầm bệnh trong nguồn nước nhằm giảm tỷ lệ hao hụt tôm giống.

Nhạy bén trong sản xuất, ham học hỏi kinh nghiệm, thành công từ mô hình ương tôm giống trong bể bạt anh Viên phấn khởi nói: “ương tôm giống trong bể bạt không phải tốn nhiều diện tích đất, nông dân có thể làm kinh tế hiệu quả, lợi nhuận thu nhập tương đối khá. Nhiều năm qua gia đình tôi khá lên nhờ mô hình này”

Hiện nay, phong trào nuôi tôm càng xanh trong mương vườn phát triển mạnh, hiện ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích người dân nuôi tôm càng xanh xen canh trong mương vườn góp phần tăng thêm thu nhập. Thành công từ mô hình ương tôm giống của anh Viên sẽ góp phần tạo ra nguồn tôm giống tại chỗ đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của người dân địa phương./.