Trao đổi với PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho biết:
– Trên tôm sú thường mắc nhiều loại bệnh do vi-rút, vi khuẩn, ký sinh hay các bệnh do môi trường gây ra. Tuy nhiên, bệnh thường gặp và có khả năng gây chết cấp tính tỷ lệ cao là bệnh do vi-rút gây ra. Trong đó, bệnh đốm trắng và bệnh đầu vàng là hai bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nghêu cũng có thể gặp các bệnh tương tự như vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng. Riêng bệnh nghêu đang xuất hiện ở ĐBSCL hiện khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã và đang tập trung nghiên cứu là do các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Đây là bệnh làm cho nghêu chết với tỷ lệ cao, nhất là trong giai đoạn nuôi thương phẩm.
Tuy nhiên, không riêng gì tôm sú, nghêu, các loài thủy sản chết có thể do sự tương tác của các yếu tố: Môi trường bất lợi, sức đề kháng của đối tượng thủy sản nuôi bị giảm xuống và các mầm bệnh vi sinh (vi-rút, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng) hiện diện trong ao nuôi với mật độ cao…
* Đã có những công trình nghiên cứu về các bệnh này, vậy đã tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị, thưa ông?
– Trước tình hình tôm, nghêu chết trên diện rộng như hiện nay, nhiều cơ quan đơn vị, các viện, trường đã và đang tiến hành khảo sát, thu mẫu phân tích… để tìm ra nguyên nhân và giải pháp chữa trị. Nhưng qua khảo sát, hầu hết các trường hợp tôm chết hàng loạt trên diện rộng do sự biến đổi thời tiết thất thường, cộng với chất lượng tôm giống không cao, nên không đủ sức chống chọi lại lúc thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, hiện tượng tôm chết nhiều và ở nhiều giai đoạn khác nhau (sau 19 – 55 ngày), có khả năng tác nhân gây bệnh mới chưa được xác định rõ và cần được nghiên cứu kỹ trong thời gian tới.
Với nghêu, thường xảy ra hiện tượng chết hàng loạt vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Vì đây là vào thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến bất thường (ban ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, ban đêm lạnh) làm cho sức đề kháng nghêu kém đi. Khi sức đề kháng kém, nghêu sẽ rất dễ bị nhiễm các loại bệnh do vi-rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng…
Cùng với tập tính ít di chuyển, sống vùi trên nền đáy cát nên khả năng lan truyền bệnh của nghêu càng nhanh, nên tỷ lệ hao hụt sẽ tăng cao. Thêm vào đó, thời gian này thường có hiện tượng nước mặn xâm nhập làm tăng độ mặn ở các khu vực bãi nuôi nghêu. Kết quả nghiên cứu ban đầu của Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ cho thấy, khi độ mặn càng tăng cao kết hợp với nhiệt độ nắng nóng là một trong những nguyên nhân làm cho nghêu chết rất nhiều (có thể lên đến 90%). Nghêu có kích thước càng lớn, thì tỷ lệ hao hụt càng cao.
* Nhiều người nuôi cho rằng, tôm chết là do bệnh teo gan, bởi khi tôm chết, tôm vẫn tươi nhưng gan teo lại và loại bệnh này chưa có cách phòng trị hiệu quả, thưa ông?
– Như đã nêu ở trên, bệnh ở tôm nuôi thường xảy ra khi các điều kiện môi trường thay đổi bất lợi, sức đề kháng của tôm giảm và có sự hiện diện của mầm bệnh. Qua khảo sát và thu mẫu bước đầu cho thấy, một số ao nuôi tôm chết, tôm có thể bị teo gan, nhưng cũng có nhiều trường hợp gan tôm vẫn rất tốt nhưng có xuất hiện dấu hiệu bệnh đốm trắng.
Khả năng tôm chết do bị teo gan là có thể, hiện tượng bệnh teo gan trên tôm đã được ghi nhận ở nhiều vùng nuôi tôm khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, gan tôm teo có thể do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gây ra, cần phải xác định rõ tác nhân gây ra hiện tượng bệnh này là gì? Và có sự kết hợp với các thông tin về diễn biến của các yếu tố môi trường thì mới có thể kiểm soát và xử lý bệnh hiệu quả. Việc này cần có kinh phí và được sự phối hợp các viện, trường tiến hành để sớm có giải pháp quản lý hiệu quả.
* Trường Đại học Cần Thơ đã có những nghiên cứu về tình trạng tôm, nghêu chết trên diện rộng như hiện nay và có khuyến cáo gì, thưa ông?
– Nhiều năm qua, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ luôn cố gắng nghiên cứu để góp phần giải quyết khó khăn của nghề nuôi thủy sản như: tôm, cá, nghêu… Nhưng Trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nên không có được nguồn kinh phí để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách như tình hình tôm chết hay nghêu chết hiện nay. Kinh phí chủ yếu chỉ tập trung cho những nghiên cứu thường xuyên (bao gồm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng) để góp phần vào thực tế sản xuất. Vì vậy, muốn giải quyết khó khăn thực trạng trên cần phải có kinh phí đầu tư nghiên cứu. Đó là vấn đề nan giải mà đối với chúng tôi dù rất muốn nghiên cứu, nhưng lại không có điều kiện làm.
Trước mắt, cần nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi giúp tôm chống chọi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt hiện nay và trong tương lai (do biến đổi khí hậu). Đồng thời, nâng cao chất lượng con giống qua cải tiến kỹ thuật ương; nghiên cứu khả năng thả giống lớn (có thể 45 ngày tuổi) có sức khỏe tốt để chống chọi môi trường tốt hơn…
Đối với nghêu, tiếp tục các nghiên cứu khảo sát về qui luật xuất hiện nghêu chết và bệnh trên nghêu ở các vùng nuôi trong mối tương quan đến diễn biến thất thường về thời tiết cũng như điều kiện của các vùng nuôi hiện nay để có thêm cơ sở cho các kiến nghị quản lý phù hợp.
Còn theo tôi, trong khi chờ đợi việc phối hợp nghiên cứu, xác định nguyên nhân và giải pháp chính thức của các cấp, cơ quan, viện, trường, người nuôi tôm nên lưu ý các vấn đề sau: Đối với các hộ nuôi bị thiệt hại, cần cố gắng xử lý hủy tôm chết, xử lý nước thải trước khi thải ra kênh rạch, thực hiện vệ sinh ao tôm theo yêu cầu của địa phương để tránh lây lan mầm bệnh diện rộng. Không nên vội vàng thả tôm lại mà chờ thêm thời gian để có khuyến cáo từ các cơ quan có liên quan.
Riêng các hộ nuôi tôm chưa bị ảnh hưởng thiệt hại, cần cố gắng tối đa cách ly người ra vào, ngăn ngừa, xử lý các vật mang mầm bệnh như cua, còng, chim; các vật dụng, phải sử dụng riêng biệt cho từng ao để tránh lây lan bệnh. Cần giữ mức nước sâu cho ao tôm nhằm tránh biến động lớn về môi trường nước do thời tiết thay đổi.
Đồng thời, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho tôm bằng cách cho ăn đầy đủ và bổ sung thêm các Vitamin hoặc định kỳ gửi mẫu tôm nuôi đến các cơ sở xét nghiệm để kịp thời phát hiện bệnh. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, tình trạng tôm nuôi; liên hệ thông tin với các cơ quan kỹ thuật để có thể được khuyến cáo cần thiết…
Về dài hạn, cần có giải pháp phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả và thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các cơ quan với người nuôi tôm. Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi cho nghề nuôi. Xây dựng hiệu quả và mở rộng các mô hình quản lý cộng đồng, câu lạc bộ, tổ hợp tác để quản lý, điều hành tốt sản xuất và môi trường vùng nuôi.
Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh, công tác kiểm dịch tôm giống để có biện pháp xử lý và hỗ trợ xử lý hiệu quả và kịp thời, nhất là hỗ trợ kỹ thuật và chi phí, hóa chất để xử lý môi trường và tôm khi có vấn đề, tránh lây lan diện rộng. Đặc biệt đẩy mạnh công tác nghiên cứu để kịp thời ứng phó với những bệnh lạ mới xuất hiện.
Với nghêu, nên chọn bãi nuôi, diện tích thả nuôi phù hợp để tránh thời gian phơi bãi quá dài trong điều kiện nắng nóng ban ngày. Nên thả nghêu nuôi với mật độ vừa phải để giảm bớt được các áp lực về thức ăn, không gian sống, tăng sức đề kháng chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường hoặc bệnh.
* Xin cảm ơn ông!
Tags: tang de khang cho tom, nuoi tom, nuoi trong thuy san