Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Tăng cường đầu tư cho ngành thủy sản.

Mức đầu tư  cho ngành thủy sản là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Chương trình, dự án nhiều. Hơn mười năm trở lại đây, ngành thủy sản đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm nghiệp và thủy sản (năm 2009 là 4,28%). Ðến nay, thủy sản Việt Nam có vị trí cao trong nghề cá thế giới, đứng thứ 12 về khai thác thủy sản, thứ ba về nuôi thủy sản và thứ sáu về giá trị xuất khẩu thủy sản. Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh, ngành thủy sản vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất, sản lượng thủy sản đạt 4,85 triệu tấn, tăng 5,8% so với năm 2008.

Giai đoạn 1991- 2000, tốc độ tăng sản lượng thủy sản trung bình là 7,31%, giai đoạn 2001- 2009, tốc độ tăng sản lượng thủy sản là 10,20%. Ðến năm 2009, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nga. Ðể đạt được những thành quả đó, thời gian qua, ngành thủy sản đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển để duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định của ngành cả trong khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.

Các chương trình quan trọng như chủ trương phát triển khai thác xa bờ, ổn định khai thác vùng ven bờ triển khai trong các năm từ 1997 đến 2000, tập trung đóng tàu công suất hơn 90CV; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999- 2010 (Quyết định 224/1999/QÐ-TTg, ngày 8-12-1999)… Ðặc biệt, ngày 16-9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1690/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 57.400 tỷ đồng được huy động từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, vốn ODA, FDI và các nguồn khác theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Mục tiêu là đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông- lâm- ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 đến 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng. Tạo việc làm cho năm triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần so với hiện nay, hơn 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo.

Mức đầu tư thấp

Có thể nói, các chương trình, dự án là động lực lớn để đưa ngành thủy sản phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức đầu tư để thực hiện các chương trình mục tiêu cho ngành thủy sản còn chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu đầu tư của Nhà nước. Nhiều chương trình chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thí dụ, chương trình phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2010 có nhiều dự án nhưng không triển khai được do không có nguồn kinh phí. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước cho ngành thủy sản chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu vốn đầu tư chung.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước là 287,534 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 64,3% (184.941 tỷ đồng), nguồn vốn vay chiếm 14,1% và vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và nguồn khác chiếm 21,6%. Trong đó, vốn đầu tư cho thủy sản là 1.480 tỷ đồng (đầu tư cho nông nghiệp và lâm nghiệp là 15.450 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 0,51% trong tổng vốn đầu tư năm 2009 (nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 5,37%) và 8,74% tổng vốn đầu tư cho khối nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch năm 2010 trực tiếp cho ngành thủy sản dự kiến là 132,7 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm 2,48% vốn thực hiện đầu tư của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.  Mức đầu tư thấp đó dẫn đến những bất cập và hạn chế cho phát triển thủy sản. Cơ sở hạ tầng nghề cá gồm hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống cảng cá, chợ cá, chợ thủy sản đầu mối, khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền… đều chưa được đầu tư đúng mức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của ngành và thu nhập, đời sống của ngư dân.

Cộng thêm những khó khăn từ nhiều phía khiến ngành thủy sản đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức như: xuất khẩu ngày càng bị áp lực cạnh tranh, rào cản kỹ thuật các nước gia tăng, trong khi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đồng bộ. Vấn đề nuôi trồng, đánh bắt xa bờ vẫn còn quy mô nhỏ, lạc hậu. Ứng dụng khoa học – kỹ thuật hạn chế, phát triển mô hình công nghiệp còn ít. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đe dọa nghề nuôi thủy sản.

Rõ ràng đã đến lúc không chỉ tập trung khai thác nguồn lợi sẵn có, tận dụng những lợi thế của một đất nước có bờ biển dài và nguồn lợi thủy sản phong phú, mà đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc đầu tư vào sự phát triển của ngành theo chiến lược dài hạn. Ðiều đó không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành mà còn là bảo đảm cho mục tiêu nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân.

Tags: nganh thuy san, ky thuat nuoi tom, dau tu thuy san, nuoi thuy san, ao nuoi thuy san