Nhìn chung công tác thả giống nuôi năm nay có nhiều khó khăn, do nguồn cung ứng giống trong tỉnh không đáng kể, nguồn giống được cung cấp từ các tỉnh cũng khan hiếm, nhất là giống có thương hiệu và chất lượng cao, giá con giống tăng cao….
Mặt khác, thời tiết ngay từ đầu vụ nuôi cũng bất lợi, nắng nóng gay gắt nhiệt độ tăng cao, trong khi rất nhiều ao đầm nuôi của nông ngư dân chưa bảo đảm yêu cầu kỷ thuật, độ sâu mức nước, đầu tư cải tạo chưa đúng mức, nên từ đầu vụ đã có hiện tượng dịch bệnh rải rác xẩy ra trên tôm tự nhiên và tôm nuôi tại Lộc Hà, Kỳ Anh. Điều đáng chú ý hơn đó là dịch bệnh trên tôm đã xẩy ra khá phổ biến tại một số tỉnh Miền Nam, gần hơn là tỉnh Nghệ An cũng đã có hàng chục ha tôm nuôi bị bệnh. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch vụ nuôi, trên cơ sở hướng dẫn của ngành chuyên môn; xin lưu ý các hộ, cơ sở nuôi tôm trong tỉnh một số biện pháp phòng ngừa:
1. Đối với vùng chưa thả nuôi: Tuyển chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, đã qua kiểm định không bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi (nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng) cần quan tâm tái kiểm định, kiểm dịch giống trước khi thả.
Trong vùng nuôi nên có diện tích ao chứa (lắng) chiếm từ 15 – 20% tổng diện tích mặt nước của cơ sở, vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu; có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường. Ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2; độ sâu đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0 m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ. Cống cấp và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ. Cống cấp phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao.
2. Đối với vùng đã thả nuôi:
2.1 Quản lý thức ăn
– Chọn và sơ chế thức ăn
* Thức ăn công nghiệp: Chỉ chọn mua những loại thức ăn đảm bảo chất lượng nên chọn những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Khi mua phải kiểm tra bao bì còn nguyên vẹn, không bị ẩm ướt; còn hạn sử dụng và nhãn bao bì phải đúng theo công bố chất lượng.
* Thức ăn tự chế biến: Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống có nguồn gốc động vật xuất xứ từ những khu vực đã bị một trong những bệnh phải công bố dịch. Thức ăn tự chế phải được nấu chín.
– Bảo quản và sử dụng thức ăn
+ Không sử dụng thức ăn đã bị ẩm mốc, hết hạn sử dụng, ôi thiu.
+ Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn để tránh tình trạng dư thừa thức ăn trong ao nuôi.
+ Khi ao nuôi có hiện tượng nhiễm bẩn do thức ăn dư thừa (có thể xác định bằng: đo độ trong của nước; kiểm tra bùn đáy ao có màu xám hoặc xám đen; bùn rời không liên kết, có mùi tanh, nếu nặng có mùi hôi, thối do chất hữu cơ phân hủy) phải điều chỉnh lượng thức ăn và có biện pháp xử lý nước ao thích hợp.
2.2. Sử dụng và bảo quản thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi tôm
– Chỉ chọn những sản phẩm có trong danh mục thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Nên lựa chọn sản phẩm của các công ty có uy tín, bao bì còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng.
– Không chọn mua thuốc thú y và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường có chất cấm theo qui định tại Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 ban hành danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng và Thông tư số 29/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/06/2009 sửa đổi, bổ sung thông tư 15/2009/TT-BNN hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc.
2.3. Quản lý môi trường
– Tạo môi trường nuôi thích hợp và hạn chế các tác nhân làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm.
– Các cơ sở nuôi tôm nên có ao lắng để chủ động nguồn nước cấp vào ao nuôi.
– Quản lý dầu máy và thiết bị sử dụng dầu: Không để dầu thấm xuống đất và nước ao nuôi cũng như môi trường xung quanh.
2.4. Quản lý sức khỏe tôm
+ Không được di chuyển dụng cụ từ ao này sang ao khác. Phải sử dụng dụng cụ riêng cho từng ao, vệ sinh khử trùng trước và sau khi sử dụng, bảo quản đúng nơi quy định.
+ Đối với dụng cụ phải dùng chung (thiết bị kiểm tra môi trường,…) không được nhúng trực tiếp xuống ao mà phải dùng dụng cụ lấy nước riêng của từng ao để kiểm tra, sau khi kiểm tra được đổ ra kênh thoát.
+ Đối với công nhân: Có bảo hộ lao động sử dụng riêng và vệ sinh sạch sẽ.
Công nhân phải vệ sinh trước và sau khi chăm sóc tôm nuôi; Công nhân được phân công làm việc ở ao, khu vực nào thì chỉ làm việc trong khu vực đó.
+ Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào khu vực nuôi tôm.
+ Vệ sinh cá nhân đúng nơi quy định.
+ Hạn chế tối đa việc ra vào khu vực cơ sở nuôi tôm để tránh lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào khu vực, có khu vực khử trùng, tiêu độc trong khu vực ao nuôi. Đối với các cơ sở có diện tích nuôi lớn, phải sử dụng nhiều công nhân nên bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân trong khu vực nuôi
* Chế độ kiểm tra ao
– Hàng ngày kiểm tra nước rò rỉ ở từng ao nuôi, không được làm bắn nước từ ao này sang ao khác hay nước từ kênh vào ao. Không tự tiện chuyển tôm từ ao này sang ao khác.
– Kiểm tra sự xuất hiện cua, còng trong khu vực nuôi, nếu phát hiện thì phải loại bỏ ngay. Cua, còng phải gom lại và xử lý ở vị trí cách xa ao nuôi, ao lắng và kênh cấp.
– Tôm chết phải được vớt, xử lý ở vị trí cách xa ao nuôi, ao lắng và kênh cấp.
– Có biện pháp canh giữ để xua đuổi chim ăn tôm.
– Không nuôi và không được để gia súc, gia cầm xâm nhập vào khu vực nuôi tôm.
– Theo dõi các thông tin quan trắc cảnh báo về dịch bệnh trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như: không thay nước, tăng tần suất kiểm tra, …
* Kiểm tra sức khoẻ tôm.
– Hàng ngày: Hàng ngày đi dọc bờ ao kiểm tra hoạt động bơi lội, bắt mồi của tôm, đặc biệt vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi bất thường; Trong quá trình nuôi, kiểm tra ở các vị trí cho ăn để đánh giá lượng thức ăn hàng ngày; quan sát hình dáng bên ngoài, màu sắc, mảng bám trên tôm, thức ăn trong ruột…
– Định kỳ: Tăng cường kiểm tra sức khoẻ tôm khi, Tôm giảm ăn, bơi lờ đờ, nổi lên mặt ao hoặc bơi xung quanh ao; tảo tàn; Sau khi trời mưa to; Những ngày trời âm u; Nhiệt độ thấp; Chất lượng nước xấu và những biểu hiện bất lợi khác như sự xuất hiện của chim ăn cá, cua, còng .
Tags: phong ngua dich benh, nuoi tom, nuoi thuy san