Ông Năm cho biết, việc lần đầu phát hiện cây xoài bị sùng tấn công rất khó khăn. Khi thấy bộ lá những cây xoài đột ngột héo, khô, chủ vườn thường nghĩ cây xoài bị sốc phân thối rễ, nhưng không phải, bộ rễ cây thậm chí còn tươi.
Nhìn sơ thân cây không hề chi, khi xem thật kỹ thấy vài ba dấu dịch mủ đã sậm màu.
Lấy tuốc-nơ-vít chọc vào chỗ xì mủ và xoi thì thấy phía bên trong là một “nhà kho” chứa phân sâu đã khô nâu đen, cuối đường hầm có một con sâu màu trắng có hai cái răng đen gắn ở đỉnh đầu.
Đường hầm do sâu tạo ra trong vỏ cây, sát thân gỗ và chạy theo chiều vòng quanh thân.
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ trang trại xoài và một số cây ăn trái khác ở khu vực ven hồ Trị An (Đồng Nai) cho rằng, con sâu nhìn thấy được thật ra là con sùng ăn vỏ cây làm cho hệ thống mạch dẫn nhựa nguyên nhựa luyện bị cắt.
Khi sùng đào đường hầm cắt đứt 3/4 chu vi vỏ quanh thân cây thì trên một số cành, lá hơi rũ, khi đường hầm khép kín chu vi, cây sẽ vàng lá và chết nhanh.
Theo tài liệu khoa học, sùng là ấu trùng của loài xén tóc nâu (tên khoa học là Plocaederus ruficornis, có tài liệu ghi Plocaederus spp), một trong những loài gây hại nặng trên cây xoài. Vào đầu mùa mưa, xén tóc nâu tìm nơi đẻ trứng từ 10 – 20 cm cách gốc lên đến chạng nhất hay nhì của cây xoài. Vì một lý do nào đó, gốc xoài bị thương hay nứt vỏ tươi là xén tóc đẻ trứng vào. Sau 6 – 8 ngày, trứng nở thành sùng và ngay lập tức nó dùng cặp răng cứng và bén trên chiếc đầu tròn cắt… ăn mô, tế bào vỏ cây.
Qua việc tìm chỗ đẻ, xén tóc mẹ tìm cho sùng con thức ăn, chỗ nghỉ, sống trong vỏ cây xoài đến 10 tháng để chờ vũ hóa thành xén tóc thế hệ kế tiếp. Trên một cây có thể sùng chỉ gây hại một vị trí, cũng có thể nhiều vị trí.
Nhận dạng vườn nhiễm xén tóc không như thấy bướm có thể dự đoán sâu. Khó khăn ở chỗ ít khi thấy xén tóc. Xén tóc chỉ xuất hiện vào tuần lễ đẻ trứng và vào ban đêm. Cuộc sống ngắn của xén tóc giấu mình trên cành cao. Vì bị đục lỗ vào vỏ thân cây, tại vị trí lỗ đục có nhựa vàng lợt tiết ra, những ngày đầu có thể hơi khó thấy bằng mắt thường, khi có ánh sáng xiên giọt nhựa long lanh.
Khi sùng trong 1 tháng tuổi, những hạt phân tròn, khô rất nhỏ đùn ra ngoài lỗ giống như gỗ khô bị mọt nên không ít người nghĩ là cây bị mọt. Khi sùng lớn, những hạt phân to, không đùn qua cái lỗ bé xíu xén tóc mẹ tạo được nữa thì nó ém lại trong hang làm tổ. Đến khi chất thải của sùng trộn dịch tiết từ mô cây màu nâu rỉ ra ngoài thì đường hầm sùng tạo ra trong vỏ thân cây xoài đã dài 12 – 15 cm và rộng 3 – 4 cm, đe dọa sự sống của cây xoài rồi.
Phòng nhiễm ấu trùng xén tóc là việc quan trọng. Vào đầu mùa mưa, có thể treo đèn kéo xén tóc đến mà bắt. Sử dụng hỗn hợp vôi + lưu huỳnh + nước theo tỷ lệ (10:1:40), có thể thêm đất sét quét quanh gốc từ trên chạng ba trở xuống để làm hỏng trứng mới đẻ, ngăn ngừa xén tóc trưởng thành đẻ trứng.
Ông Nguyễn Thành Hiếu, trưởng phòng bảo vệ thực vật, Viện cây ăn quả miền Nam hướng dẫn, dùng padan, lockban đặc trét vào lỗ sùng. Vì sùng nằm sâu bên trong, thường xuyên thăm vườn, nếu phát hiện thấy xì mủ hay xì “phân mọt”, dùng đầu tuốc- nơ-vít xoi lỗ, trét bông gòn có thuốc trừ sâu và trét đất sét.
Đối với cây xì mủ nâu đen (sùng hại nặng), dùng tuốc-nơ-vít mở miệng và đường hầm, dùng thuốc Basudin 10H, Regent 800WG, Furadan 3H pha đặc quét vào vết thương, trét đất sét kín miệng lỗ.
Các loại thuốc lưu dẫn này có thể hòa nước tưới nhưng phải đủ nồng độ, cây lớn rất hao thuốc, hiệu quả có thể chậm thấy và cần đủ ngày cách ly để trái xoài không nhiễm thuốc.
Kinh nghiệm của nhiều chủ trang trại là dùng búa gỗ làm rêm vỏ cây chỗ sùng ẩn nấp và phun thuốc trừ sâu, thuốc sẽ ngấm sâu và vỏ cây có thể tái tạo nhanh hơn.
Phát hiện và điều trị sùng sớm, cây có thể mọc “da non” lấp kín vết thương, tái tạo sức khỏe.