I.ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
1.Đặc điểm hình thái cá Thát lát cườm
– Cá có màu xám bạc, lưng sẫm hơn. Cá trưởng thành có 4 – 10 đốm đen, viền trắng nằm dọc phía trên vây hậu môn. Lúc cá còn nhỏ thân có 10 – 15 sọc đen ngang thân.
Khoảng 2 tháng tuổi phần dưới của các sọc này xuất hiện các đốm nâu tròn. Cá càng lớn, đốm càng rõ nét trong khi các sọc mờ dần rồi mất hẳn.
– Cá có thân dài, dẹp bên, lưng gù độ cong của lưng tăng dần theo kích thước của cá. Lườn bụng bên có hai hàng gai chạy dọc theo lườn bụng.
Vảy nhỏ phủ khắp thân và đầu, vảy dính rất chắc, khó rụng, vảy ở đầu có cùng kích thước với vảy ở thân.
Đường bên bắt đầu từ mép trên của lỗ mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi.
– Vi lưng của cá Thát lát cườm nhỏ, nằm lệch về phía sau của thân, gần điểm giữa gốc vi đuôi hơn gần chóp mõm. Gốc vi hậu môn rất dài, vi hậu môn nối liền với vi đuôi. Vi bụng rất nhỏ. Vi đuôi tròn, không chẻ hai.
– Cá có đầu nhỏ, nhọn, dẹp bên.
Miệng trước, rạch miệng xiên kéo dài qua khỏi mắt, xương hàm trên phát triển. Răng nhọn, bén mọc ở hàm dưới, phần gai giữa xương hàm trước, xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi, ngoài ra còn có đám răng nhỏ mịn trên xương bướm phụ.
Có một đôi râu mũi ngắn nhỏ.
Mắt nằm lệch về phía lưng của đầu, gần chóp mõm hơn gần điểm cuối của xương nắp mang. Phần trán gần hai mắt cong và lồi tương đương đường kính mắt. Miệng rộng, màng da sau xương nắp mang rất phát triển.
2. Sự phân bố
– Trong tự nhiên cá Thát lát cườm phân bố ở nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum). Mùa nước lũ, cá đi vào các đồng ruộng ngập nước sinh sống, mùa khô, cá ra sống ở các rạch lớn, sông chính, các vực nước sâu.
Cá Thát lát cườm sống được ở vực nước có lượng oxy thấp, nhờ cơ quan hô hấp phụ. Trong điều kiện tự nhiên, cá sống ở tầng giữa và tầng đáy.
3. Đặc điểm dinh dưỡng
– Cá thát lát cườm rất dữ. Cá tấn công những con cá khác để làm mồi khi đói.
Khi bị sốc môi trường hoặc thay đổi mồi ăn đột ngột chúng có thể bỏ ăn cho đến khi kiệt sức và nhiễm bệnh chết.
Do đó trong điều kiện nuôi không nên gây sốc môi trường hay thay đổi mồi đột ngột mà phải tập cho cá quen dần với thức ăn mới và cho cá ăn đúng giờ.
– Do cá thát lát cườm có đặc tính ăn động vật nên khi sử dụng thức ăn hỗn hợp để nuôi cá thì phải được tập cho ăn từ nhỏ.
4. Đặc điểm sinh trưởng
– Từ cá bột mới nở đến cá con 3 – 4 cm mất khoảng 30 – 40 ngày. Cá chậm lớn và phải mất thêm 30 – 40 ngày nữa cá mới đạt chiều dài 12 – 15 cm.
Trong nuôi thương phẩm, từ tháng thứ 2 cá tăng trọng nhanh, sau 5 tháng nuôi cá có thể đạt khối lượng 400 – 500 g và sau 1 năm nuôi cá có thể đạt 1,2 kg. Mỗi năm cá có thể tăng trọng thêm 1 – 1,2 kg.
– So với cá cùng họ thì cá Thát lát cườm có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn cá thát lát thường.
Cá tăng trọng nhanh, thông thường cá sau 1 năm tuổi có chiều dài trung bình khoảng 30 – 40 cm và nặng từ 1kg – 1.2 kg/con. Trong ao nuôi, cá thát lát cườm có thể đạt kích cỡ 500 – 600 g/con sau 5 tháng nuôi.
5. Đặc điểm sinh sản
– Cá Thát lát cườm cái thành thục khoảng 3 năm tuổi, còn cá đực thành thục sớm hơn, khoảng 2 năm tuổi.
Cá bố mẹ thát lát cườm được nuôi vỗ bằng thức ăn tươi sống gồm cá nhỏ, cá rô phi và tép và hệ số thành thục của cá thát lát cườm cái đạt cao nhất vào tháng 6 với giá trị là 4,63 ± 0,50%.
– Thức ăn cần thiết cho cá bột trong quá trình ươm ở tuần đầu là động vật phiêu sinh.
Từ tuần thứ hai thức ăn là trùn chỉ.
Cá Thát lát cườm được ươm 30 ngày trong bể với 4 loại thức ăn là trùn chỉ, ấu trùng muỗi đỏ, phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá từ 80 – 100%; đối với thức ăn là phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá thát lát cườm là 100%.
– Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất giống và ương thát lát cườm ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp giống cá thát lát cườm phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm đối tượng có giá trị kinh tế cao này.
Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, năm 2006 lượng giống cá thát lát cườm trong tỉnh sản xuất được là 3,5 triệu con.
II. VẬT LIỆU LÀM LỒNG VÀ CÁCH LẮP RÁP.
1. Vật liệu làm lồng.
+ Lồng được làm bằng các cọc tre, lưới, dây buộc.
+ Tre làm lồng: Các loại tre già, thẳng chắc, thường có đường kính 3 – 4 cm.
+ Lưới: kích thước mắc lưới 2a = 18 mm
+ Các loại dây buộc: thông thường được sử dụng bởi các dây nylong dùng để cố định các vị trí buộc.
2. Kích thước lồng:
-Lồng nuôi cá trên phá: thường có chiều dài 10 m, chiều rộng 7 m, chiều cao 3m trở lên.
Tuỳ theo số lượng cá thả nuôi có thể làm lồng kích thước lớn hơn.
3. Cách lắp ráp:
Lồng nuôi trên phá có cách lắp ráp như sau:
– Khung lồng bằng tre, có kích thước 10m x 7m x 3m. Dùng 64 cọc tre đứng có chiều cao 3 m trở lên (tuỳ theo độ sâu của vùng đầm phá) cắm xuống nền đáy lồng theo hình chữ nhật với khoảng cách giữa hai cộc là 0,5 m.
– Kết lưới thành hình hộp chữ nhật gồm 6 mặt lưới có kích thước dài 10 m, rộng 7 m, cao 3m.
– Dùng lồng lưới buộc vào các cọc tre đã cắm quanh 4 mặt lồng và cố định vào khung lồng bằng dây buộc.
– Cố định luới vào nền đáy lồng bằng các loại tiên chì để tránh thất thoát cá.
– Bao xung quanh lồng thêm một lớp luới cách lồng 0,3 – 0,5 m nhằm mục đích bảo vệ lồng nuôi và tránh thất thoát cá.
III. CHỌN VỊ TRÍ ĐẶT LỒNG CÁ
1. Địa điểm đặt lồng:
– Nuôi lồng trên trên phá phải có mức nước sâu trên 3m, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 – 0,5 m/s.
– Vị trí đặt lồng có nguồn nước sạch không bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp để đảm bảo cá không chết do nhiễm khí độc.
– Nếu gia đình có nhiều lồng thì đặt xen kẽ nhau 3 – 5m, đặt so le nhau để tăng lưu tốc dòng nước qua lồng.
– Nếu nhiều hộ nông dân tham gia nuôi cá lồng cần bố trí lồng này cách lồng kia ít nhất từ 10 – 15 m. Nếu đặt lồng theo cụm thì khoảng cách giữa các cụm lồng ít nhất từ 15 – 20 m. Lồng trong một cụm nên đặt so le để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
2. Môi trường nước nơi đặt lồng.
– pH nước: 6,5 – 7,5
– Hàm lượng oxy hoà tan: > 3 mg/l.
– Chất đáy nơi đặt lồng: đất cát pha bùn.
IV. KỸ THUẬT NUÔI CÁ THÁT LÁT TRONG LỒNG
1. Chọn giống cá Thát lát:
– Cá đồng đều kích cỡ, khoẻ mạnh không xây xát, không mất nhớt, không dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, kích cở đạt trên 3 – 5 cm trở lên.
– Không nên thả cá khi thấy có đốm đỏ, hoặc trắng, vây bị ăn mòn hoặc trầy xước.
2. Thả cá giống:
a. Mùa vụ thả:
– Nuôi cá lồng trên phá: tháng 02 – 3 hàng năm
Thời gian nuôi 5 – 6 tháng lúc này cá đạt trọng lượng 0,5 kg trở lên có thể thu tỉa.
b. Mật độ thả:
– Mật độ thả nuôi thích hợp: 15 con/m2
c. Cách thả giống:
Khi vận chuyển giống cá về, ngâm bao cá trong lồng khoảng 10 – 15 phút nhằm cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi ra cho nước vào từ từ để cá tự bơi ra.
d. Thời gian thả giống:
Thời gian thả cá vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát, thời gian thả tốt nhất là:
Buổi sáng: từ 6 – 8 giờ.
Buổi chiều: từ 16 – 18 giờ.
Tránh thả cá vào giữa trưa, trời sắp mưa và những ngày mưa lớn kéo dài.
3. Tắm cá giống trước khi thả:
Để đảm bảo cá giống trước khi thả đạt tỷ lệ sống cao, không bị ký sinh trùng và nấm phát triển trên cơ thể cần yêu cầu trại giống tắm cá bằng:
+ Hoà tan thuốc tím liều lượng 5 – 7 g/m3 nước. Tắm cá trong thau hoặc xô lớn trong vòng 5 phút.
+ Tắm bằng nuớc muối có độ mặn 5 – 7‰, trong thời gian 5 phút.
Chú ý: Khi cho cá tắm phải có máy sục khí để cá không bị ngột do thiếu oxy.
4. Thức ăn và khẩu phần ăn cho cá:
– Khi mới thả nuôi, cần cho thức ăn công nghiệp trong 5 – 10 ngày đầu để cá thích nghi ban đầu với môi trường nuôi.
– Chủ yếu sử dụng thức ăn cá tạp được hấp chín trong ngày để tránh ô nhiễm môi trường nuôi.
– Cho ăn từ 5 – 7% trọng lượng cá.
– Trong quá trình nuôi, cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp dạng bột nổi để cá tăng trưởng tốt.
5. Phương pháp cho ăn:
– Thức ăn đưa xuống lồng nuôi thành nhiều đợt để tất cả cá đều được ăn.
– Quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
6. Chăm sóc và quản lý lồng nuôi:
a. Vệ sinh lồng:
– Trước khi thả và sau một đợt thu hoạch: Đem lồng lên cạn, dùng vôi quét mặt trong và ngoài lồng, sau đó phơi khô 1 – 2 ngày.
– Trong quá trình nuôi, định kỳ 2 lần/tuần vệ sinh, cọ rửa các tạp chất bám ở trong và ngoài lồng.
– Hàng ngày, cho cá ăn thức ăn đã được hấp chín, trước khi cho ăn vớt bỏ thức ăn dư thừa trong lồng.
b. Môi trường nước nuôi:
– Dùng vôi Nông nghiệp khử trùng và khử chua cho môi trường nước.
– Treo túi vôi (2 – 4 kg/túi) ở vị trí đầu nguồn nước và 4 túi ở trong lồng. Khi vôi tan hết tiếp tục treo túi khác.
– Định kỳ 7 – 10 ngày hoà tan 2 – 3 kg vôi, tạt trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá, làm sạch môi trường nuôi xung quanh.
– Định kỳ 7 ngày/lần, dùng vitamin C trộn vào thức ăn công nghiệp với liều luợng 2 – 3 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
7. Thu hoạch:
Sau thời gian nuôi 5 – 6 tháng cá đạt trọng lượng 0,5 kg trở lên thì tiến hành thu hoạch, tuỳ theo giá cả thị trường có thể thu tỉa hoặc thu hết một lần.