1. Yêu cầu sinh thái
Cây vú sữa trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt đới nhiệt độ 22-340C, chỉ ra hoa tốt trong điều kiện có hai mùa mưa nắng phân biệt và không chịu được gió to do cây có tán lá dày và rễ nông.
Yêu cầu đất đai: đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, ít chua, pH 5,5-6,5, cao độ không quá 400m
2. Thiết kế vườn:
2.1 Vùng Đồng bằng:
Đào mương lên líp (luống): Đây là khâu rất quan trọng, đào mương sâu 1,0 – 1,5m, rộng 2-2,5m, bề mặt líp rộng 6 – 10m.
Nếu trồng trên đất ruộng nên lên mô có đường kính thay đổi từ 0,8 – 1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi.
Đắp đê bao: Cây vú sữa không chịu ngập và rất cần đủ ẩm để phát triển tốt trong các năm đầu tiên sau khi trồng do đó cần phải có bờ bao và cống để chủ động việc tưới tiêu.
Cao độ của đê bao phải cao hơn đỉnh lủ trung bình nhiều năm. Mặt líp hoặc mô phải cao hơn mặt nước trong mương từ 50 – 80cm.
2.2 Vùng đất cao .
Vùng đất cao phải đào bồn nông, đường kính 2,0m, sâu 0,3m. Giữa bồn có mô đường kính thay đổi từ 0,8 – 1,0m, cao 0,3-0,4m tùy theo địa hình của từng nơi.
Lấp đầy bồn chung quanh chân mô bằng các vật liệu hữu cơ (cỏ khô, xác bã thực vật, phân chuồng…)
2.3. Trồng cây chắn gió:
Cây vú sữa dễ bị gãy nhánh, bật gốc do gió to nên cần phải chú ý có cây chắn gió,
2.4 . Mật độ và khoảng cách trồng:
Tùy theo chiều rộng mặt líp mà bố trí số hàng cây.
Với líp rộng 7 – 8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa líp, khoảng cách 8m/cây, mật độ 12 – 13 cây/1000m2, với líp rộng 9 – 10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu, khoảng cách 10m/cây, mật độ từ 7 – 8 cây/1000m2.
Có thể trồng xen rau màu hoặc cây ăn trái ngắn ngày trong 1 – 3 năm đầu để tăng thu nhập
2.5. Làm cỏ và trồng xen:
Nên làm cỏ thường xuyên trong các năm đầu để hạn chế sự canh tranh dinh dưỡng và loại bỏ sự trú ẩn của sâu bệnh:
Diệt cỏ thủ công: 2-3 lần/năm trong mùa mưa.
Phun thuốc cỏ: Glyphosat, Gramoxon…1-2lần/năm vào mùa mưa.
Máy cắt cỏ: 3-4 lần/năm khi cỏ cao 30-40cm.
Từ năm thứ tư trở đi tán cây rộng dần và công làm cỏ sẽ giảm.
Để giảm bớt công làm cỏ và tưới nước trong các năm đầu nên dùng rơm rạ phủ gốc và trồng xen một số cây ngắn ngày trong 2 năm đầu để tăng nguồn thu nhập.
Các cây trồng xen như: rau màu ngắn ngày họ đậu, họ bầu bí, đu đủ…
3. Giống trồng:
3.1. Chọn giống trồng:
– Vú sữa Lò Rèn: có nguồn gốc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Đây là giống vú sữa có hiệu quả kinh tế cao nhất, năng suất 1000 – 1500 trái/năm/cây 10 năm tuổi, trọng lượng trái 200 – 300g, vỏ trái khi chín có màu hột gà, tươi bóng, phẩm chất ngon, có giá bán cao nhất so với các giống khác.
– Các giống vú sữa Tím, vú sữa Nâu có năng suất thấp nhưng thưòng chín sớm hơn so với vú sữa Lò Rèn.
3.2. Phương pháp nhân giống
3.2.1. Nhân giống bằng phương pháp chiết cành
Nên chọn cây cho năng suất cao và độ tuổi dưới 10 năm. Chọn cành để chiết thường là cành bánh tẻ, có tuổi 12-14 tháng, nằm ngang, da vừa hóa gổ, không mang cành vượt.
Thời gian khất cành có thể từ tháng 1 – 3 Âl.
Dùng dao bén khoanh và lột bỏ khoảng vỏ từ 2 – 2,5cm, dùng dây nilon cột quanh vết cắt để ráo nhựa cây, 20 – 25 ngày sau đó bắt đầu bó bầu, vật liệu bó bầu thường là rể lục bình, xơ dừa, rơm rạ, bùn ao, bao ny lon.
Sau khi bó bầu khoảng 10 – 15 ngày, kiểm tra nước và phun thuốc sâu để ngăn ngừa kiến và các côn trùng khác cắn phá rể cây.
Thường xuyên tưới nước để bầu không bị khô. Sau khi bó bầu 3 – 4 tháng, cắt nhánh và dùng bẹ chuối hoặc bầu nilon chứa đất xốp giâm nhánh, để trong mát dưỡng 15-30 ngày cho rễ thuần thục trước khi đem trồng.
3.2.2. Nhân giống bằng phương pháp ghép
Gốc ghép: Chọn những hạt vú sữa to, không bị sâu bệnh đem gieo trong vườn ươm. Làm thành luống gieo, thông thường cây mọc khoảng 3-4 tuần lễ sau khi gieo.
Lúc cây có 3-5 lá thì có thể đem ra trồng ở vườn ghép, đến khi cây đạt tiêu chuẩn ghép (8-12 tháng tuổi) thì ra ngôi cho vào túi nilon có đục lổ thoát nước sau đó tiến hành ghép.
Sau khi ghép 40-45 ngày, kiểm tra thấy có sự tiếp hợp tốt giữa gốc ghép và cành ghép (mắt ghép) thì cắt và đem để trong bóng râm khi nào cây phát triển tược mới, lá thành thục mới có thể đem trồng.
Có nhiều cách ghép, tuy nhiên trong sản xuất thường gặp phổ biến nhất là ghép cành treo bầu và ghép mắt vì cho tỷ lệ thành công cao.
Ghép cành treo bầu: Chọn kích cỡ gốc ghép phải tương xứng với cành ghép và cành ghép đã thành thục. Gốc ghép trồng trong bầu được buộc vào giàn đỡ bầu gần cành ghép.
– Cách ghép:
+ Gốc ghép: có đường kính tương đương hoặc lờn hơn cành ghép, được vạt 2 đường đối xứng nhau tạo thành hình vạt nêm dài 3-7 cm
+ Cành ghép: đường cắt xéo sâu vào gổ cành giống đến 1/3 đường kính cành, dài hơn vạt nêm trên gốc ghép một chút.
Sau đó lồng vạt nêm gốc ghép vào miệng cắt xéo của cành giống sao cho tượng tầng của 2 mặt cắt tiếp xúc tối đa. Quấn kín mối ghép bằng dây ghép.
Ghép mắt (bo): mắt ghép là miếng vỏ của cành giống chỉ mang 1 mầm duy nhất và không có gổ đính kèm.
+ Gốc ghép: đường kính gốc ghép phải đạt 1-2 cm. Vỏ có màu nâu xám và tróc thật tốt. Các đường cắt trên gốc ghép có thể là dạng U hay U ngược.
+ Mắt ghép: chọn mắt ghép trên những cành đã ra năm trước, vỏ cành đã chuyển sang màu nâu xám. Chú ý khi tách bo tránh làm cho bo bị dập, xây xát.
Kích thước chữ U trên gốc ghép chỉ lớn kích thước mắt ghép 1 chút.
Dây PE quấn mối ghép được mở ra sau khi ghép 25-30 ngày và cắt ngọn gốc ghép để kích thích sự nẩy mầm vào ngày thứ 35 sau ghép.