Tác động
Mưa làm cho môi trường bị thay đổi đột ngột, nhiệt độ, độ mặn giảm. Nước mưa có tính axit, rửa trôi phèn từ đất xuống làm giảm độ kiềm, độ pH, tăng tính độc của H2S tích tụ ở đáy ao.
Hàm lượng ôxy hòa tan giảm khi mưa, lặng gió do nước bị phân tầng nhiệt độ và độ mặn, ngăn cản khuyếch tán ôxy vào nước ao nuôi. Nước mưa còn cuốn trôi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất thải độc từ ruộng, vườn, khu dân cư, các mầm bệnh từ nơi khác chảy vào ao nuôi…
Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi, giảm khả năng đề kháng, dễ bị cảm nhiễm bệnh, tỷ lệ chết cao.
Quản lý ao nuôi khi trời mưa
Tôm giống sau khi vận chuyển, thả xuống ao nuôi có sức đề kháng kém, gặp trời mưa, các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, dễ gây sốc, tỷ lệ chết cao. Vì vậy, vào những ngày âm u, có dấu hiệu sắp mưa, cần có biện pháp lưu giữ, không tiến hành thả giống.
Trước những cơn mưa đầu mùa nên dùng vôi nông nghiệp rải đều khắp bờ ao hoặc treo túi vôi ở một góc ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột. Sau mưa, pH dễ biến động nhất, vì vậy cần thường xuyên theo dõi. Nếu pH giảm thấp, biến động giữa sáng và chiều > 0,5; sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3, tùy vào độ pH.
Khi trời mưa lớn cần bố trí máy bơm, tăng cường quạt nước phù hợp với mô hình nuôi, giúp xáo trộn và hạn chế phân tầng nước, gia tăng hàm lượng ôxy hòa tan, từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi. Cần chuẩn bị máy phát điện phòng khi điện lưới bị cắt. Giảm hoặc ngừng cho tôm ăn do khi mưa lớn nhiệt độ nước thường giảm thấp, môi trường nuôi thay đổi; tôm nuôi sẽ giảm hoặc không bắt mồi.
Cần nhanh chóng thực hiện biện pháp tháo bớt nước trên tầng mặt để hạn chế phân tầng nước về nhiệt độ, độ mặn, pH. Liên tục kiểm tra mực nước ao nuôi, cống cấp, cống thoát để có biện pháp ứng phó kịp thời, tránh để cá, tôm thất thoát.
Sau khi mưa vài ngày, thời tiết nắng, tạo điều kiện vi khuẩn có hại phát triển, cần diệt khuẩn để giảm bớt mầm bệnh.
Cấy vi sinh lại sau 2 ngày kết hợp với quạt nước, máy bơm, tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan, kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển, ức chế vi khuẩn có hại, tăng cường phân hủy chất hữu cơ, hạn chế hiện tượng tảo phát triển quá mức. Bên canh đó cần tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Gia tăng tỷ lệ sống
Đôi khi người nuôi gặp phải tình trạng mưa kéo dài trước, trong và sau khi thả. Để hạn chế thiệt hại, ngoài việc áp dụng các biện pháp như trên, sau khi trời mưa tạt 10 kg Canxium Cacbonat (CaCO3) và 10 kg Dolomite cho 1.000 m3 nước.
Đồng thời bổ sung một số chế phẩm sinh học, chất khoáng và các chất vi lượng để tăng khả năng miễn dịch cho tôm nuôi, đồng thời cung cấp dinh dưỡng hỗ trợ cho sự phát triển của tảo. Nếu ao nuôi có độ mặn thấp dưới 5‰, thì nên thả muối ăn dạng hạt với lượng 25 kg/1.000 m2 nếu mực nước tăng so với trước khi mưa 10 cm.
Lưu ý, chạy quạt nước liên tục đến khi hết mưa mà không cần cho tôm giống ăn. Khi ngớt mưa có thể giảm 50% số lượng quạt nước và tiến hành cho tôm ăn. Bổ sung enzyme vào khẩu phần ăn giúp tôm hấp thu được tối đa dinh dưỡng trong thức ăn để tăng trưởng và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.
Chủ động tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi bằng các chất bổ sung như Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan, Beta-glucan,… là việc làm cần thiết để tôm có thể chống chịu được những biến động môi trường sau những cơn mưa lớn.
Tags: ao nuoi tom, nuoi tom, tom, thuy san, nuoi trong thuy san, quan ly ao nuoi tom