“Trẻ hóa” cây điều là giải pháp cần thiết nhằm giữ vững diện tích, nâng cao năng suất và thu nhập cho người trồng điều, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành điều của nhiều địa phương.
Mô hình thâm canh vườn điều ở Bình Định giúp cây điều đạt năng suất quả cao
Bình Định
Theo thông tin từ báo Nông Nghiệp Việt Nam, cây điều có mặt trên đất Bình Định từ cuối thập niên 90 (thế kỷ XX) với diện tích lớn. Thế nhưng do giá hạt điều nhân bấp bênh, luôn trong xu hướng giảm; năng suất thấp mà chi phí đầu vào cao nên cây điều dần bị thất sủng. Để vực dậy cây điều, ngành nông nghiệp Bình Định vừa trang bị cho nông dân kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), nhằm cải thiện hiệu quả năng suất chất lượng.
Mới đây, thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghiệp và Cty TNHH Thương mại SX Đắc Phúc, Bình Định đã xây dựng 6 mô hình thâm canh, cải tạo vườn điều. Qua mô hình, nông dân tham gia được hướng dẫn kỹ thuật phun hóa chất rụng lá, khiến điều ra lá đồng loạt; kích thích hoa ra cùng lúc để cho thu hoạch tập trung.
Người trồng điều còn học được cách tỉa cành tạo tán cho cây điều nhằm hạn chế tàn dư sâu bệnh, tăng hiệu quả cành hữu hiệu và hạn chế che khuất nhằm làm tăng năng suất. Trong quá trình chăm sóc, cây điều không còn bị “ăn” thuốc hóa học một cách vô tội vạ như trước đây, nông dân đã biết dùng các loại thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, có nhiều vườn điều nông dân còn trồng xen đậu phộng tạo thêm thu nhập.
Nông dân Hà Văn Thạnh ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) trồng hơn 2 ha điều cho biết: “Trong những điều học được từ mô hình, tui thấy cây điều cho năng suất cao nhờ vào việc tỉa cành tạo tán làm vườn điều thông thoáng và được thường xuyên dọn vệ sinh. Nếu như trước đây cây điều cho tui thu hoạch chỉ chừng 7 – 8 tạ hạt/ha thì nay năng suất vườn điều của tui tăng đến 1,5 tấn (khô)/ha. Năm nay giá hạt điều nhân hạ chỉ còn 20.000 đ/kg, nếu giữ nguyên giá như 2 năm trước đây (hơn 30.000 đ/kg) thì người trồng điều trúng to”, nông dân Đinh Tấn Xuân ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) cho biết thêm.
Bình Phước
Bình Phước là thủ phủ của cây điều, nhưng những năm gần đây năng suất điều giảm, diện tích cây già cỗi lớn. “Trẻ hóa” cây điều là giải pháp cần thiết nhằm giữ vững diện tích, nâng cao năng suất và thu nhập cho người trồng điều, đảm bảo sự phát triển bền vững ngành điều của tỉnh.
Phương pháp ghép chồi “trẻ hóa” vườn điều đang được nhà nông áp dụng vì có nhiều ưu thế. Không chỉ rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí mà năng suất điều cũng cao hơn trước. Đặc biệt, với cây điều ghép chỉ sau 2-3 năm là có một vườn điều mới mà không phải chặt bỏ những cây già cỗi.
Vườn điều già cỗi gần 20 năm của gia đình ông Hoàng Trọng Thanh, ở thôn Thanh Long, xã Long Hà (Bù Gia Mập) được thí điểm phương pháp ghép chồi. Ông Thanh cho biết: “Giống ghép lấy từ những cây trong vườn có năng suất cao, hạt to, không sâu bệnh. Gia đình đã ghép thử nghiệm 8 sào cho thu hoạch năm thứ 3, thấy năng suất trội hơn hẳn cây điều cũ.
Ghép chồi trẻ hóa cây điều tiết kiệm chi phí lại giúp cây có năng suất cao hơn trước
Trước khi ghép, một cây chỉ đạt khoảng 20kg, sau khi ghép đạt 50kg/cây. Công chăm sóc tập trung vào 5-6 tháng đầu nhằm tăng tỷ lệ sống và tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng nuôi cành non. Sau khi ghép khoảng 1 năm cành ghép phát triển như cây mới, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất vượt cây cũ từ 1-2 tấn/ha.
Thuận lợi nhất của việc cải tạo vườn điều bằng ghép chồi là rút ngắn thời gian trồng mới, năm đầu tiên cây đã cho trái bói. Trong năm đầu phải bỏ vốn nhiều vì chi phí chăm sóc, mỗi ha khoảng 20 triệu đồng gồm phân bón, thuốc trừ sâu, theo thông tin từ báo Bình Phước.