Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Phương pháp chăm sóc bưởi da xanh sau thu hoạch

Hướng dẫn của tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Huyện Chợ Lách – Bến Tre.

Bưởi da xanh là một trong những giống bưởi ngon và nổi tiếng ở Việt Nam. Ảnh: vietq

Bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột,… là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.

Ở giai đoạn sau thu hoạch, cây bưởi da xanh cần được chăm sóc và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cây có thể tiếp tục cho năng suất và chất lượng cao trong mùa vụ tiếp theo.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Huyện Chợ Lách – Bến Tre hướng dẫn chăm sóc bưởi da xanh giai đoạn sau thu hoạch với một số biện pháp kỹ thuật sau:

– Quan sát tình hình sức khỏe của cây, xem sản lượng mùa trước của cây có cao không?

– Số trái còn trên cây hay đã hết, ta không nên để trái chuyền trên cây, vì sẽ làm sâu bệnh lưu tồn và phát triển, tốt nhất nên cắt vụ.

– Cần xác định thời điểm thu hoạch tiếp theo làm sao để bán với giá tốt nhất. Thời gian từ lúc cây ra hoa đến thu hoạch mất từ 7 – 8 tháng, áp dụng biện pháp kỹ thuật sau:

+ Tỉa cành nhánh, trái non cuối vụ để cây ra trái mới, giúp cây ra hoa tập trung, tán lá phân bố hợp lý. Để được như vậy, cần cắt bỏ: cành cây già cỗi trong vụ trước, những nhánh không có khả năng ra trái, nhánh bị sâu bệnh tấn công phá hoại, cành nhánh đan xen che khuất lẫn nhau, tạo thông thoáng.

Nhành mang trái phải được phấn bố đều trên các tán cây, như vậy thì cây mới có năng suất và chất lượng tốt hơn.

+ Vệ sinh vườn: những trái rụng, cành nhánh cắt tỉa, cành nhánh sâu bệnh tự gãy phải được gom lại tiêu hủy. Đặc biệt là trái rụng mang mầm nên dọn sạch sẽ, chôn bỏ, làm sạch cỏ quanh gốc. Sau đó, bón phân, xốc gốc theo hình tán lá cho rễ phát triển, phân bón hiệu quả, vi sinh vật trong đất phát triển tốt.

+ Bón phân: tùy vào tán cây và tuổi của cây mà gia giảm lượng phân bón cho phù hợp. Gồm các loại:

Vôi bột: có tác dụng sát trùng, cải tạo đất, cung cấp dinh gưỡng cho cây, hàng năm bón vôi bột 1 lần sau khi thu hoạch với hàm lượng 3 – 4kg/cây.

Sau bón vôi 15 ngày, bón tiếp phân hữu cơ (quyết định chất lượng của trái), bón 1-2 lần/năm. Lượng phân hữu cơ được đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, chất lượng trái tăng lên.

Phân hóa học có nhiều đạm sẽ kích thích cây ra hoa: gồm DAV + Ure với tỉ lệ: 5:5, liều lượng từ 1 – 2kg, kích thích cây ra cành, lá.

Đối với bưởi: sau 1 đợt đọt, cần quan sát tán lá xem đủ điều kiện xử lý ra hoa không, nếu không đủ điều kiện nên xử lý thêm 1 đợt đọt nữa. Phân bón nên ưu tiên đạm và yên tâm chờ đón một mùa trái mới.