Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Phòng Trừ Xén Tóc Đục Thân Xoài

Xoài là loại cây ăn trái có giá trị  kinh tế cao. Trong những năm gần đây, diện tích trồng xoài đang phát triển với nhiều giống xoài ngon như cát hòa lộc, cát chu hoặc một số giống xoài ăn sống như xoài thanh sơn, xoài Thái, xoài Đài Loan,… Mặc dù xoài là loại cây dễ canh tác, ít kén đất nhưng có rất nhiều sâu bệnh tấn công, trong đó đáng chú ý nhất là xén tóc đục thân có thể làm chết cả cây. 
Xén tóc đục thân xoài (còn gọi là bù xòe) phổ biến ở ĐBSCL có hai loại: xén tóc lớn và xén tóc nhỏ. Xén tóc lớn có tên khoa học là Plocaederus ruficoruis thuộc họ xén tóc (Cerambycidae), bộ cánh cứng (Coleoptera). Loài xén tóc này đục trên thân chính hoặc nhánh lớn thường làm chết nhánh hoặc suy yếu cả cây. Trưởng thành có thân mình cứng, màu nâu sậm, dài khoảng 30-35mm. Chân và râu màu nâu đỏ, râu cứng và dài hơn cơ thể. Con cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay cháng cây. Ấu trùng màu trắng, dài khoảng 50-60mm, đầu rất nhỏ so với mình. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây và cành cây, ăn phá ở đó. Giai đoạn ấu trùng kéo dài sức phá hại của chúng rất lớn. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây. Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng calcium rất cứng. Trong một cây có thể có nhiều con gây hại cùng một lúc. Loài này thường tấn công cây lớn khoảng 10 năm tuổi.

Rất khó để phát hiện triệu chứng gây hại vì loài này trong quá trình ăn không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện khi ấu trùng đã vũ hóa và qua sự hiện diện của các lổ đục. Trên cành bị đục có nhiều lổ nhỏ từ đó mủ chảy ra.

Loài phổ biến thứ hai là xén tóc nhỏ có tên khoa học là Niphonoclea  albata. Trưởng thành có thân mình dài khoảng 20mm, màu nâu đen. Loài này thường đẻ trứng vào đầu mùa nắng, trên các đọt vừa già, chuẩn bị ra bông hoặc lá non. Con trưởng thành dùng hàm cắn vòng chung quanh đầu cành, cách chồi khoảng 40-50 mm rồi đẻ trứng vào đó. Ấu trùng có màu trắng, đầu tròn. Sâu non đục vào đầu cành làm đoạn cành này rụng lá và khô chết. Triệu chứng để nhận biết loài này là đọt xoài bị khô héo và có đường đục ở bên trong. Loài sâu này thường gây hại trên xoài tơ. 
* Biện pháp phòng trừ
Rất khó để phòng trị các loài xén tóc vì ấu trùng ở sâu bên trong. Có thể ngừa bằng cách sau: 
+ Không nên chặt hoặc lột vỏ gốc cây để kích thích cây ra trái, đó là điều kiện cho xén tóc đẻ trứng. 
+ Xén tóc rất thích ánh đèn vì thế có thể dùng bẩy đèn để bắt trưởng thành vào đầu mùa mưa. 
+ Chăm sóc thường xuyên, phát hiện kịp thời, cắt bỏ cành tăm bị hại hoặc tỉa bớt cành nhất là sau khi thu hoạch trái. 
+ Dùng dao nhỏ khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt sâu hoặc phát hiện nhộng phải tiêu diệt. 
+ Khi phát hiện lổ đục trong cành, thân có thể dùng dây kẽm soi lổ đục, dùng bông gòn thấm thuốc nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại. Nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi như: Mappy 48EC, Basudin 50ND, Marshal 200SC, Pegasus 500SC,… Sau khi nhét bông thuốc vào lổ đục trên cành hoặc thân nên quét thuốc gốc đồng để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục.  
Nếu cây tơ, thấp có thể đào chung quanh gốc rải thuốc hạt như Basudin 10H với liều lượng 50-100gram/gốc sau đó lấp đất và tưới nước cho thuốc hòa tan.