Xoài là cây ăn trái dễ trồng, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy trong những năm gần đây, diện tích trồng xoài đã gia tăng đáng kể. Song song với sự gia tăng diện tích, dịch hại trên xoài cũng ngày trở nên trầm trọng. Trong đó, bệnh thán thư và bệnh khô đọt khá phổ biến, gây hại nghiêm trọng đến tình hình sinh trưởng và năng suất trái.
Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên xoài. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, đọt, bông và trái. Trên lá, bệnh thường có những đốm góc cạnh màu nâu đỏ, lớn khoảng 3-5mm, dễ bị thũng rách, lá rụng khi bệnh nặng.
Triệu chứng bệnh thán thư trên lá.
Trên chùm hoa, nấm tạo thành những chấm đen nhỏ trên cuống hoa làm hoa bị khô đen và rụng. Trên trái, đốm bệnh nâu đen, hơi tròn hoặc lõm sâu. Các đốm bệnh trên vỏ trái cũng có thể liên kết với nhau, thịt trái phía trong đốm bệnh bị khô đi và dính theo vỏ trái khi lột. Nếu bệnh xuất hiện sớm trên trái non làm trái bị rụng. Mầm bệnh có thể tấn công trái non, trái lớn và cả trái sau thu hoạch, tồn trữ. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Giai đoạn ra hoa gặp sương mù nhiều, bệnh dễ phát triển, làm rụng bông.
Triệu chứng bệnh thán thư trên hoa.
Phòng trừ:
– Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan.
– Bón phân cân đối , nhất là tránh bón thừa đạm.
– Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm ẩm độ trong vườn.
– Vào giai đoạn mang trái, nên sử dụng bao để bao trái ( phun thuốc ngừa bệnh 1 lần trước khi bao ).
– Khi trời ẩm ướt, sương mù nhiều nên phun thuốc hóa học ngừa hoặc phun khi bệnh mới chớm. Một số thuốc hiệu quả với bệnh thán thư : Antracol 70WP, Amistar 250SC, Manage 15WP, Mataxyl 500WP,…. Chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly (nếu phun thốc giai đoạn mang trái) để nông sản không còn dư lượng thuốc BVTV nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài bệnh thán thư, bệnh khô đọt cũng là một bệnh khá phổ biến trên xoài, nhất là trong mùa mưa. Bệnh do nấm Diplodia natalensis gây ra. Bệnh chủ yếu gây hại trên đọt và đôi khi cũng gây hại trên trái. Trên đọt bị bệnh, lá biến vàng, sau đó bị khô, bìa lá cuốn lên phía trên, bệnh nặng cả đọt bị khô đen.
Triệu chứng bệnh khô đọt
Chẻ dọc đọt cành bệnh, các mạch dẫn bên trong hóa nâu, đọt bị khô, rất giống với triệu chứng do sâu đục ngọn gây ra. Nấm còn gây hại trên trái làm thối trái. Bệnh khô đọt phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, mùa mưa. Biện pháp phòng trừ bệnh khô đọt là cắt bỏ các đọt bị bệnh tiêu hủy. Sử dụng một số thuốc hóa học như: Benomyl 500WP, Vicarben 50WP,… Phun khi bệnh mới chớm xuất hiện.