Nguyên nhân
Chu kỳ lột xác của tôm tùy thuộc giai đoạn sinh trưởng, tình trạng sinh lý, điều kiện dinh dưỡng, môi trường… Tôm nhỏ có chu kỳ lột xác ngắn hơn tôm lớn. Khi tôm tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng và tới chu kỳ lột xác thì lớp vỏ mới hình thành dần dưới lớp vỏ cũ; vỏ này mỏng, mềm và co giãn được. Khi lớp vỏ mới phát triển đầy đủ thì tôm tìm nơi vắng và giàu ôxy để lột vỏ. Khi vỏ cũ lột đi, vỏ mới còn mềm, co giãn được và dưới áp lực của khối mô cơ lâu ngày bị ép bởi lớp vỏ cũ, cơ thể tôm sẽ giãn nở, lớn lên nhiều so với lúc trước lột.
Tôm càng xanh không lột vỏ, có thể do thức ăn cung cấp cho tôm không đủ chất hoặc lượng cho nhu cầu của tôm, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, nước ao bị ô nhiễm do lượng mùn bã hữu cơ trong nước nhiều, tôm bị bệnh như bệnh đóng rong.
Cách phòng và trị bệnh
Để giúp tôm lột xác tốt, người nuôi cần thực hiện các biện pháp:
Phòng bệnh
Nên thả nuôi với mật độ vừa phải (5 – 7 con/m2) để quản lý tốt môi trường ao nuôi. Có thể nuôi ghép tôm với cá sặc rằn, mè trắng (1 – 2 con/m2) nhằm tận dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao; đồng thời lọc nước ao nuôi, hạn chế nước quá xanh, dơ làm tôm bị đóng rong, thiếu ôxy.
Cho tôm ăn đủ số lượng thức ăn, trong tháng nuôi đầu cho ăn 8 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5 – 7%. Trong thức ăn cần bổ sung chất khoáng để giúp tôm nhanh lột xác.
Định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh.
Định kỳ dùng thuốc diệt cá tạp (saponin) 2 tháng/lần với liều lượng 0,5 kg/100 m3 nước, vừa có tác dụng diệt cá tạp vừa kích thích tôm lột xác.
Nâng mực nước duy trì nhiệt 26 – 310C; ổn định pH 6,5 – 8; đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan 4 – 6 mg/l.
Tôm càng xanh ăn tạp, nghiêng về động vật; do vậy, trong quá trình nuôi, nếu dùng thức ăn tự chế thì nên chọn cá tạp nhỏ, tép, ruốc, ốc bươu vàng… còn tươi để chế biến, không dùng thức ăn bị ôi thiu, để hạn chế ao nuôi nhiễm bẩn. Khi dùng thức ăn công nghiệp, nên dùng loại thức ăn vừa cỡ mồi và có hàm lượng đạm cao phù hợp giai đoạn phát triển của tôm. Cần theo dõi sức ăn của tôm trong nhá vó để cho ăn đủ lượng, không dư thừa, hạn chế ô nhiễm nước.
Khi nuôi tôm ở mật độ cao, người nuôi nên dùng thức ăn công nghiệp, vừa chủ động nguồn thức ăn vừa hạn chế được thức ăn tan vào nước gây ô nhiễm, và quan trọng hơn cả là thức ăn công nghiệp có thể bổ sung khoáng chất đầy đủ giúp tôm lột vỏ nhanh.
Trị bệnh
Khi tôm bị đóng rong, dùng phèn xanh (CuSO4) liều lượng 100 g/100 m3 nước hay formol liều lượng 2 – 2,5 lít/1.000 m3 nước phun xuống ao để diệt khuẩn, đồng thời kích thích tôm lột xác.
Lưu ý, khi dùng thuốc diệt cá tạp hay hóa chất khác để kích thích tôm lột vỏ, cần tính toán chính xác thể tích nước ao nuôi, nhằm đưa ra lượng thuốc phù hợp. Phải kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi, tình hình thời tiết, chất nước. Nếu không, vô tình sẽ làm thay đổi điều kiện sống của tôm và rất có thể tôm sẽ bị nhiễm độc chết hàng loạt.
Trong nuôi tôm, nước ao cần duy trì hàm lượng ôxy hòa tan cao. Để tăng lượng ôxy hòa tan trong nước, cần thay nhiều lần lượng nước trong ao nuôi qua hệ thống cống có ngăn lưới ở miệng cống, sục khí cho ao nuôi hoặc lắp đặt hệ thống quạt nước.
Nuôi tôm bán thâm canh hoặc thâm canh nên lắp đặt hệ thống sục khí hay quạt nước cho ao nuôi, nhằm cung cấp đủ ôxy hòa tan cho hoạt động của tôm; đặc biệt cần tăng cường quạt khí cho tôm thời điểm lột vỏ (phát hiện vỏ tôm ở sàng ăn).
Tags: phong tri benh tom cang xanh, tom cang xanh kho lot vo, nuoi tom, nuoi trong thuy san