Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Phòng tránh bệnh hoại tử gan tụy trên tôm

Thả ghép với loài khác

Đối với những nơi đất rộng nên nuôi tôm sú, theo hình thức quảng canh cải tiến, mật độ 7 – 10 con/m2. Khi nuôi cần thả ghép thêm cá rô phi, đối mục, cua (1 con/2 – 3 m2), Theo giáo sư Donald Lightner – Đại học Arizona (Mỹ), nuôi ghép tôm với các loài khác có mức độ an toàn dịch bệnh cao hơn hẳn so với nuôi tôm độc canh. Những loài này sẽ tiêu diệt các loài địch hại để bảo vệ sự cân bằng tự nhiên, đồng nghĩa các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu diệt và tôm không ăn phải những loài vi khuẩn này nên ít nhiễm bệnh.

Chuẩn bị ao và xử lý nước

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là tác nhân chính gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm và sẽ phát triển rất nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi. Vậy, sau mỗi vụ nuôi, đối với ao đất phải được vét hết bùn đáy, bón vôi khử trùng. Nếu đáy ao sau khi vét vẫn còn nhiều bùn đen thì có thể bơm cát sạch vào ao (dày 15 cm trở lên), mục đích nhằm ngăn lớp bùn tạo ra khí độc (H2S) và ổn định nhiệt độ nước. Đối với ao trải bạt, sau mỗi vụ nuôi, cần dùng máy bơm xịt rửa sạch, sử dụng Chlorine (40 – 50 ppm) phun lên mặt bạt, phơi 2 – 3 ngày rồi mới cấp nước. Bờ ao nên quây lưới ngăn còng, cáy xâm nhập. Mương cấp, thoát nước cho ao cần nạo vét và khử trùng sau mỗi vụ nuôi.

Sau mỗi vụ nuôi, ao đất được vét hết bùn đáy, bón vôi khử trùng.

Nhằm diệt hết các mầm bệnh và kí chủ mang bệnh, nước được cấp vào ao lắng, xử lý Chlorine (10 – 15 ppm), quạt khí 3 ngày liên tục để Chlorine bay hơi hết rồi mới cấp vào ao qua túi lọc dày. Mặt khác, có thể sử dụng hệ thống diệt khuẩn bằng tia cực tím đế cung cấp nước sạch cho ao và hạn chế dư lượng Chlorine. Sau khi lấy nước vào ao, cần kiểm tra các yếu tố môi trường như độ mặn, pH, độ kiềm, khí độc…; Sau đó, mới thả tôm giống (cỡ từ P12 trở lên) và phải được kiểm dịch, đảm bảo sạch bệnh.

Các biện pháp khác

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh hoại tử gan tụy ít khi xảy ra ở độ mặn thấp (dưới 10‰ ), vậy nước khi thả cần duy trì độ mặn 15 – 20‰; sau đó, cấp thêm nước ngọt hạ độ mặn dần xuống dưới 10‰. Do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ưa phát triển ở môi trường đáy ao nên khi chuẩn bị ao cần thiết kế một khu vực trũng gom chất thải giữa ao (1 – 2% diện tích) và định kỳ xi phông (5 – 7 ngày/lần) giúp đáy ao luôn sạch.

Theo giáo sư Donald Lightner, nước ao sau khi được xử lý thì vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều so với các vi khuẩn có lợi. Do vậy, sau 10 ngày thả giống cần sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung kịp thời vi khuẩn có lợi, nhằm khôi phục tính đa dạng của cộng đồng vi khuẩn, át chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Một biện pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy trên TTCT nuôi thâm canh được áp dụng có hiệu quả hiện nay, đó là thiết kế vèo nuôi trong nhà lán, diện tích 100 – 500 m2, trải bạt nền đáy, quanh bờ, đáy lắp hệ thống sục khí, nước được xử lý sạch, độ sâu 1 – 1,2 m. Tôm thả trong vèo ở mật độ cao (400 – 500 con/m2), các yếu tố môi trường được khống chế và xi phông chất thải hàng ngày. Tôm sống trong vèo, môi trường luôn phù hợp và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài nên ít bệnh. Sau một tháng thì chuyển tôm ra ao nuôi lớn bình thường.

Cùng đó, nhằm hạn chế bệnh này, việc sử dụng công nghệ sinh học Biofloc để đa dạng hóa quần thể sinh vật trong ao nuôi tôm cũng được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, với công nghệ này để duy trì được sự cân bằng Carbon/Nitơ trong nước là 1/12 – 15 không đơn giản và cũng khó để phân biệt được trong quần thể vi khuẩn phát triển đâu là vi khuẩn lợi đâu là vi khuẩn hại.

Theo kinh nghiệm của người nuôi, nếu phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh gan tụy nên hạn chế cho ăn hoặc giảm lượng thức ăn, sẽ giảm được tỷ lệ chết.

Tags: phong tranh benh hoai tu gan tuy, nuoi tom, benh tom, nuoi trong thuy san