Dự án do Kỹ sư Nuôi trồng thủy sản Nguyễn Đình Tiệp thuộc Chi cục Thủy sản Hà Nội làm chủ nhiệm dự án. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN – Sở KH&CN Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chịu trách nhiệm về công nghệ, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, Hội nông dân xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa và 4 hộ gia đình chịu trách nhiệm thực hiện thử nghiệm sản xuất.
Mục tiêu chung của dự án là góp phần cung cấp khoảng 50 tấn cá Chép V1 và 70 tấn cá Rô phi đơn tính dòng NOVIT4 thương phẩm trong hai năm có sản lượng và chất lượng đảm bảo VSATTP đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Xây dựng được mô hình phát triển chuyên canh cá Chép V1, diện tích 3 ha, sản lượng đạt khoảng 50 tấn/2 năm, năng suất 8,33 tấn/ha/1 vụ, sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng kết được quy trình nuôi chuyên canh cá Chép V1 phù hợp với điều kiện của địa phương. Xây dựng được mô hình phát triển chuyên canh cá Rô phi đơn tính dòng NOVIT4, diện tích 3ha, sản lượng đạt 70 tấn/ 2 năm, năng suất 11,66 tấn/ha/ 1 vụ, sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng kết được quy trình nuôi chuyên canh cá Rô phi đơn tính dòng NOVIT4 phù hợp với điều kiện của địa phương.
Quy trình nuôi thương phẩm cá Chép được thực hiện theo tiêu chuẩn 28TCN123:1998 kèm theo quyết định số 339/1998/QÐ-BTS ngày 11/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản nay là Bộ NN&PTNT về việc ban hành tiêu chuẩn ngành. Quy trình nuôi thương phẩm cá Rô phi đơn tính dòng NOVIT4 được thực hiện theo qui trình kỹ thuật nuôi cá rô phi vằn theo đề tài nghiên cứu khoa học: “ Nghiên cứu kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi vằn ở Miền Bắc Việt Nam”- Đề tài cấp Bộ thực hiện từ năm 2001 – 2003 do TS Nguyễn Văn Tiến – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là chủ nhiệm đề tài, đề tài đã được nghiệm thu đạt loại khá.
Theo các chuyên gia, sản phẩm của dự án có tính cạnh tranh cao vì cá rô phi và cá chép trên thị trường Hà Nội thường không rõ nguồn gốc, chủ yếu là nhập từ nơi khác về, chất lượng thực phẩm không được kiểm soát về ATVS thực phẩm. Trong khi đó sản phẩm từ dự án được sản xuất từ quy trình công nghệ của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, lại được qua kiểm soát về ATTVS TP của Chi cục thủy sản Hà Nội.
Ngoài ra, dự án tạo thêm việc làm, thêm thu nhập cho các hộ dân tham gia dự án và các hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản. Dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe con người cũng như không làm ảnh hưởng đến ANQP.
Dự án được triển khai tại các cơ sở nuôi cá của hộ gia đình ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội). Đây là những hộ đang nuôi trồng thủy sản, họ có đủ ao và diện tích cần thiết đủ để nuôi cá theo quy trình. Dự án khi tiến hành chỉ hỗ trợ gồm: con giống, thức ăn, sửa chữa và tu bổ ao, mua máy móc thiết bị để phục vụ cho sản xuất.
Dự án sẽ sử dụng cá Chép V1 là đối tượng chính của ao, các đối tượng khác sẽ được bổ sung để tận dụng hết các nguồn thức ăn của các tầng nước trong ao nuôi. Quy trình nuôi thương phẩm đã được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 xây dựng thành tiêu chuẩn ngành (theo quyết định 339/1998/QÐ-BTS). Do đó sẽ hạn chế được nhiều rủi ro. Nguồn giống cá Chép V1 sẽ do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, Trung tâm giống thủy sản Hà Nội, Công ty TNHH Hồng Quân,…. cung cấp cho dự án. Nguồn con giống này được Chi cục Thủy sản Hà Nội đảm bảo về mặt chất lượng. Mặt khác, dự án sẽ sử dụng mô hình nuôi thâm canh cho cá Rô phi đơn tính NOVIT4. Công nghệ quy trình nuôi đã được Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chuyển giao công nghệ.
Dự án sẽ sử dụng thức ăn công nghiệp của các công ty sản xuất thức ăn thủy sản đáng tin cậy để chủ động kiểm soát chất lượng nguồn thức ăn và các mầm bệnh. Các cán bộ của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý môi trường và bệnh. Do đó, đơn vị này sẽ theo dõi và xử lý môi trường và phòng trị bệnh cho các mô hình trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Trang thiết bị triển khai dự án chủ yếu bao gồm: Ao nuôi, máy tạo oxy cho cá, máy đo pH cầm tay, cân kỹ thuật và một số dụng cụ khác phục vụ cho dự án sản xuất thử nghiệm. Nguyên vật liệu chủ yếu là thức ăn nuôi cá và thuốc phòng bệnh, khi triển khai dự án sẽ tiến hành ký hợp đồng hoặc tư vấn cho các hộ dân lấy tại các đại lý cấp 1 ủy quyền của các hãng và công ty sản xuất ở trong nước có uy tín như các hãng thức ăn thủy sản CP, Cagirl… và công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương I, công ty thuốc thú y thủy sản Hanvet…
Dự án được triển khai với số cán bộ KHCN dự kiến là 2 người; 2 nhân viên kỹ thuật; 6 công nhân lành nghề tham gia thực hiện Dự án; các lao động phổ thông làm việc theo mùa vụ. Trung tâm tiến hành phối hợp với một số chuyên gia tập huấn cho các hộ nông dân về kỹ thuật nuôi cá Rô phi NOVIT4 và cá Chép V1 thương phẩm nhằm nhân rộng kết quả của Dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế trong khu vực. Sản lượng sản phẩm sau khi Dự án kết thúc dự kiến là cá chép V1 thương phẩm 50 tấn và cá rô phi NOVIT4 thương phẩm 70 tấn.
Dự báo nhu cầu thị trường, nhu cầu cá rô phi thương phẩm và cá chép thương phẩm bảo đảm chất lượng ATVSTP trên thị trường Hà Nội là rất lớn, cung không đủ cầu lượng sản phẩm của dự án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm của dự án không gặp khó khăn.
Cá chép V1 và cá rô phi NOVIT4 thương phẩm bán buôn tại bờ cho các thương lái hoặc xuất bán cho các nhà hàng thủy đặc sản trên địa bàn Hà Nội. Phân tích giá thành, giá bán dự diến của sản phẩm trong thời gian sản xuất thử nghiệm; giá bán khi ổn định sản xuất dự kiến, giá thành sản xuất cá chép V1 thương phẩm 29.200đồng/kg; Giá thành sản xuất cá rô phi NOVIT4 thương phẩm 25.500đồng/kg; Giá bán sản phẩm là cá chép V1 thương phẩm khi ổn định sản xuất là 50.000đồng/kg. Giá sản phẩm trên thị trường trong nước hiện tại là 55.000-70.000đồng/kg, Giá bán sản phẩm là cá cá rô phi thương phẩm khi ổn định sản xuất là 30.000đồng/kg. Giá sản phảm trên thị trường trong nước hiện tại là 35.000-55.000đồng/kg.
Dự án được thực hiện do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Nội là cơ quan chủ trì, để đảm bảo triển khai dự án thành công, đạt được các mục tiêu đề ra. Trung tâm có 2 thạc sĩ và 6 kỹ sư. Ngoài ra Trung tâm sẽ tiến hành ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu với Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc là cơ quan có các chuyên gia giỏi về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây cũng đơn vị là độc quyền nhân giống và cung cấp giống cá Chép V1 và cá Rô phi đơn tính dòng NOVIT4, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thuộc Sở KH&CN Hà Nội sẽ tiếp thu công nghệ này để chuyển giao và ứng dụng nhanh vào sản xuất, Trung tâm tiến hành ký hợp đồng phối hợp nghiên cứu với các hộ hiện đang nuôi trồng thủy sản tại xã Trầm Lồng, huyện Ứng Hòa để khảo nghiệm các kỹ thuật mới.
Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN – Sở KH&CN Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Trung tâm giống thủy sản Hà Nội, các hộ dân nuôi trồng thủy sản sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ, con giống chất lượng tốt đến người chăn nuôi. Chắc chắn sản phẩm dự án sẽ được nhân rộng trong sản xuất trong các năm sắp tới và được người nuôi thủy sản tín nhiệm. Các địa phương sẽ được tập trung để phổ cập nuôi trồng giống cá Chép V1 và cá rô phi đơn tính dòng NOVIT4 là các huyện có diện tích nuôi.
Sau khi dự án kết thúc, nếu Cá chép V1 và cá rô phi NOVIT4 thương phẩm người dân nuôi nhiều, được sản xuất ở quy mô công nghiệp thì có thể phân phối sản phẩm ở các trợ đầu mối thủy sản, các nhà hàng lớn, các siêu thị và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời nên phát triển sản xuất bằng phương thức nhân rộng, chuyển giao kết quả của dự án cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, trung tâm giống thủy sản, trung tâm khuyến nông, các trạm, trại và các sơ sở tư nhân sản xuất thủy sản lớn trên địa bàn Hà Nội .
Tags: phat trien cong nghe nuoi ca chep, ca ro phi chat luong cao, ky thuat nuoi ca, ca ro phi, nuoi thuy san