Liên cầu khuẩn Streptococcus là loại vi khuẩn (Gr +) gây bệnh khá phổ biến cả trên thú vật lẫn trên người.
Nguyên nhân
Bệnh do Streptococcus khá đa dạng, từ viêm màng não đến thể nhiễm trùng máu, viêm đa thanh dịch, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm phổi. Nó còn liên quan đến một số ca viêm xoang mũi và sảy thai.
Bệnh thường xuất hiện lẻ tẻ, bệnh số thấp ở giai đoạn theo mẹ (10 – 25%) hoặc có thể tăng cao (50%) ở giai đoạn cai sữa (trong thể viêm màng não). Tỉ lệ chết thường thấp, 2 – 5%.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ heo này qua heo khác qua tiếp xúc, qua vết thương hở (bấm nanh, cắt rốn, cắt đuôi, bấm tai…)
Vi khuẩn Streptococcus đề kháng với nhiệt độ nhưng tương đối nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh. Tuy nhiên, nhóm kháng sinh Aminoglycosides lại không nhạy cảm với liên cầu.
Nhận biết bệnh
Bệnh xảy ra chủ yếu ở heo con theo mẹ và heo sau cai sữa, mỗi lứa tuổi heo mắc bệnh ở các mức độ khác nhau.
Nhóm heo con theo mẹ (trên dưới 1 tuần tuổi): Heo bệnh có biểu hiện: xáo trộn vận động, liệt nhẹ; khớp sưng, viêm khớp, sờ thấy mềm và nóng, heo có vẻ đau đớn, cắt khớp ra có thể thấy mủ bên trong.
Nhóm heo cai sữa (khoảng 10 – 15 ngày sau cai sữa): Triệu chứng thần kinh, run rẩy trợn mắt ngiểng đầu, có thể có hoặc không có viêm khớp, bơi chèo; cuối cùng dẫn đến chết
Ở thể cấp tính: Vào giai đoạn đầu ta thấy heo thường nằm sấp, run rẩy, lông dựng đứng. 2 – 3 tiếng sau con vật bắt đầu trợn mắt, nằm nghiêng một bên, sùi bọt mép. Vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn (nhiễm trùng máu), có thể viêm khớp, nhiều dịch khớp và viêm phổi kèm theo xuất huyết. Viêm màng não – xuất huyết não.
Nhóm heo thịt: thấy dạng viêm loét sùi van tim.
Nhóm heo nái: chảy nước nhờn từ âm hộ, có thể sảy thai, tiểu ra nước đục có lẫn cả máu mủ do hậu quả từ viêm tử cung, âm đạo hoặc viêm bàng quang.
Phòng và điều trị
1. Hộ lý chăm sóc
Tách lọc heo bệnh và nhanh chóng chuyển heo bệnh ra khỏi chuồng và đưa đến chuồng cách ly.
Đảm bảo an toàn sinh học: hạn chế người và công nhân ra vào trại, công nhân – kỹ thuật sát trùng và tắm trước khi vào trại. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khô ráo.
Giữ ấm heo, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ.
2. Dùng thuốc điều trị
Sử dụng loại kháng sinh nhạy cảm như Amoxicillin, Penicillin, Ampicillin hoặc Trimethoprim/ Sulfa. Tốt nhất nên sử dụng các loại kháng sinh có tác động kéo dài.
Dùng Paracetamol pha nước uống, tiêm hạ sốt (không steroid) cho nhưng heo sốt, ho và bỏ ăn
Tỷ lệ nhiễm cao điều trị tổng đàn dùng Tiamulin 20% liều 200ppm (1kg/tấn thức ăn) + Amoxicilin 50% liều 400 ppm (800g/1 tấn thức ăn. Dùng liền tục 7 – 14 ngày.
Điều trị cá thể dùng Peni-Strep L.A/ Amoxicilin L.A liều 1ml/10kg P cho những heo sốt, ho. Đối với heo sơ sinh tiêm Amoxicilin L.A 1ml/con (chú ý mỗi con dùng 1 kim).
Trợ sức trợ lực bằng các thuốc bổ: GlucoK – C, Vitamin…
3. Phòng và kiểm soát bệnh:
Đối với trại chưa bị bệnh, nên cố gắng giữ cho đàn heo không bị tiếp xúc với mầm bệnh. Khi nhập heo thay đàn phải chọn từ trại sạch bệnh.
Đối với trại có nguy cơ phát bệnh khi:
Mật độ chăn nuôi đông, kém thông thoáng, thiếu không khí, vệ sinh chuồng trại kém
Chu chuyển heo liên tục, không đảm bảo All in – All out
Trại nhiễm có lưu hành PRRS sẽ kích thích Streptococcus phát triển
Nuôi heo nhiều nhóm tuổi khi cai sữa trong một ô chuồng
Cắt rốn, cắt tai, bấm – mãi nanh, thiến… không đúng kĩ thuật, không sát trùng vết cắt..
Giải pháp dài hạn
Quản lý chặt chẽ khâu đỡ đẻ và bú sữa đầu: Cho bú sớm nhất có thể (trong vòng 3 – 6 giờ đầu sau sinh), mỗi heo tối thiểu bú được 300ml sữa đầu.
Kiểm soát MMA, thiếu sữa và cố định bầu vú cho heo con.
Thực hành tốt các thao tác ngoại khoa trên heo con sơ sinh: Bấm nanh, cắt rốn, cắt đuôi, thiến hoạn… Chú ý: Sát trùng kỹ bằng Iodine 10%.
Tiêm Amoxicilin LA 1ml/con cho heo trước khi can thiệp ngoại khoa.
Quản lý an toàn sinh học tốt: Cùng vào – cùng ra theo nhóm tuổi.