Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Ong ký sinh kiểm soát sâu đục trái bưởi – biện pháp sinh học đầy triển vọng

Hiện nay, diện tích bưởi da xanh ngày càng mở rộng vì hiệu quả kinh tế từ cây bưởi mang lại không nhỏ, nếu không muốn nói là cao nhất, nhì trong các loại cây ăn trái. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc canh tác cây bưởi đã gặp nhiều khó khăn do sự xuất hiện và gây hại của sâu đục trái.

Sâu đục trái bưởi là một đối tượng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến năng suất bưởi. Hiện nay, mức độ nhiễm loài sâu này trên vườn đang lây lan rất nhanh. Nông dân đang lúng túng trong quản lý loài sâu hại này, chủ yếu là phun thuốc hoá học một cách tự phát, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, chưa kể đến dư lượng thuốc tồn dư trong trái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, đây là loài sâu gây hại bên trong trái nên việc phun thuốc thường kém hiệu quả nếu không phát hiện sớm. Trước thực trạng đó, biện pháp sinh học là hướng đi cần thiết. Trong năm 2015, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đã thực hiện việc nhân nuôi và thả ong ký sinh để kiểm soát sâu đục trái bưởi.

Loài ong ký sinh tại tỉnh Bến Tre có tên khoa học là Trichogramma sp., thuộc họ: Trichogrammatidae; bộ  Hymenoptera. Chu kì phát triển của ong Trichogramma sp. (còn gọi là ong mắt đỏ) là loài ký sinh trứng. Quá trình phát triển qua 4 pha: Trứng, ong non, nhộng và ong trưởng thành. Tất cả các pha trứng, ong non và nhộng đều sống ký sinh trong trứng vật chủ.

Trứng có hình bầu dục hơi thon, dài 0,053 – 0, 100 mm rộng 0,025 – 0,030 mm sau khi đẻ khoảng 20 – 24 giờ trứng phát triển thành ong non.

Ong non:  Pha này kéo dài 36 – 48 giờ và bao giờ cũng sử dụng hết các chất dinh dưỡng của trứng vật chủ. Ong mới nở dài khoảng 0,6 mm và ở giai đoạn này đẩy sức dài tới 1,215 mm. Tốc độ sinh trưởng của ong phụ thuộc rất lớn vào điều kiện dinh dưỡng. Ong non phát triển chậm và yếu trong các trường hợp ký sinh kép.

Nhộng: Khi ong non phát triển đủ sức, ngừng dinh dưỡng lột xác và chuyển sang nhộng. Pha này kéo dài 36- 48 giờ.  Sau đó trưởng thành phá vỡ vỏ nhộng và vỏ trứng vật chủ vũ hoá ra bên ngoài.

Pha trưởng thành: Ong vừa nở còn nằm trong vỏ trứng vật chủ, cánh còn mềm và gấp lại ở phía sau lưng. Khoảng một ngày sau ong mới có khả năng bay ra ngoài.  Ong cái thường to hơn ong đực, máng đẻ trứng dài ra phía sau và các lòng trên râu ngắn hơn con đực. Sau khi vũ hoá, ong hoạt động nhanh nhẹn, ong đực có thể giao phối ngay với ong cái. Sau đó ong cái đi tìm trứng vật chủ để đẻ.

Sau khi ong mắt đỏ đẻ trứng, khoảng một ngày ong non mới chui ra khỏi vỏ trứng và sử dụng dinh dưỡng của vỏ trứng vật chủ để hoàn thành sự phát triển của mình. Một chu kỳ của ong mắt đỏ trong điều kiện thuận lợi kéo dài khoảng 7-9 ngày.

Ký chủ: đây là loài ong ký sinh đa ký chủ, chúng có thể ký sinh trên trứng của nhiều loại côn trùng bộ Cánh vẩy.

Ong mắt đỏ cái

Ong mắt đỏ đực

Khả năng sinh sản: Ong mắt đỏ có khả năng sinh sản lớn. Mức độ sinh sản trung bình là  53 – 60  trứng và phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ dinh dưỡng của ong non và tuổi thọ của ong trưởng thành.

Tốc độ sinh sản của ong thay đổi theo các giờ trong ngày. Ong đẻ vào ban ngày và tập trung nhất vào buổi sáng (từ 6 – 8 giờ). Trong 2 ngày đầu nếu đủ trứng vật chủ ong đẻ tới 90% tổng số trứng.  Khả năng ký sinh của ong trên trứng vật chủ lớn nhất trong thời gian 1 – 5 giờ sau khi vũ hoá và có thể đạt tới 60-65 trứng/ ong cái.  Trứng đẻ trong thời gian này cho tỉ lệ ong cái cao. Ong vũ hóa thoát ra ngoài bằng cách phá vỡ vỏ trứng vật chủ và vũ hóa vào sáng sớm từ 6-8 giờ, khi mới vũ hóa ong thường yếu ớt nhưng khoảng 30 phút sau ong trở nên nhanh nhẹn, mắt màu đỏ tươi, trên cánh có nhiều lông  và có thể bắt cặp đẻ trứng ngay. Thời gian sống của thành trùng kéo dài từ 2-7 ngày.  Vòng đời của ong mắt đỏ từ 7-9 ngày. Tỷ lệ ký sinh từ 16-83% và tỷ lệ trứng nở từ 80 -100%. Sau khi vũ hóa ong tìm kiếm trứng của vật chủ để ký sinh. Trong 1 trứng vật chủ có thể chứa từ 1-3 trứng ong mắt đỏ nhưng phổ biến từ 1-2 trứng ong .

Để tạo số lượng lớn ong mắt đỏ người ta nhân nuôi bằng cách cho ong ký sinh trên trứng của ngài gạo (Corcyra cephalonica) (có trong tấm cám, gạo cũ) để tạo ra ong quanh năm và thả ra ngoài tự nhiên.

Trứng sâu đục trái bưởi khi bị ký sinh chuyển sang màu nâu đen và không nở ra sâu. Thực tế trong vườn bưởi khi thả ong ký sinh thì tỷ lệ trứng sâu đục trái bị ký sinh từ 12,6- 23,5%. Mặc dù tỷ lệ ký sinh không cao nhưng đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy loài ong này có khả năng thích nghi trong điều kiện sinh thái của vùng ĐBSCL. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đang nhân nuôi loài ong này và đã chuyển giao kỹ thuật nhân nuôi ong cho một số hộ nông dân có thể tự nuôi được. Một điều rất may là người ta chưa thấy ong Trichogramma sp. có ký sinh bậc 2, do đó đây là một thuận lợi để chúng nhân nhanh mật số.

Dẫu biết rằng có hơi sớm để đánh giá sự thành công của một biện pháp sinh học vốn dĩ đòi hỏi phải theo dõi một thời gian khá dài, song bước đầu cho thấy biện pháp này có triển vọng khá lớn đã tạo niềm hy vọng cho nông dân trồng bưởi. Chúng ta tin rằng với sự nổ lực của cơ quan chuyên ngành và sự phối hợp của người dân cùng nhân nuôi loài ong mắt đỏ này để phóng thích ra thiên nhiên thì một thời gian không xa, dịch sâu đục trái bưởi sẽ được đẩy lùi./.