Trước đây nhiều hộ dân chỉ nuôi chuyên canh; cua cá nuôi riêng biệt, dịch bệnh nhiều, sản lượng không cao.
Ông Lê Nguyễn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, từ năm 2008, một số hộ chuyển sang nuôi xen ghép thủy sản. Cùng một hồ nuôi, có thể thả đến 4 loại thủy sản. Theo đó, cua ở tầng đáy, cá dìa và tôm ở phần giữa và có thể kèm thêm một loài cá (điêu hồng hoặc cá chém) ở phần mặt nước.
Mô hình nhanh chóng đem lại hiệu quả nhờ kết hợp được nguồn thức ăn và tận dụng chất thải của mỗi loài làm thức ăn cho loài kia, giúp cho bà con tiết kiệm được chiphí thức ăn, giảm thiểu khả năng ô nhiễm. Đặc biệt, với 3 – 4 loài cá tôm trong mỗi hồ, nếu xảy ra sự cố, vẫn có thể giữ được ít nhất 1 – 2 loài.
Hiện toàn xã Quảng Công đã có hơn 70 ha nuôi xen ghép thủy sản, trung bình mỗi hồ nuôi (0,5 ha) đem lại cho bà con hơn 50 triệu đồng lợi nhuận mỗi vụ (khoảng 4 -5 tháng).
Tiếp nối những thành công đó, tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang) có hơn 600 ha nuôi thủy sản đã thực hiện chuyển đổi được 220 ha nuôi xen ghép. Ông Nguyễn VănDũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Nhận thấy mô hình hiệu quả, xã đã tổ chức nhân rộng cho bà con ở các thôn Thủy Diện, Xuân Ổ, Quảng Xuyên. Tuy không có thu nhập cao như nuôi tôm nhưng đây là mô hình an toàn, bền vững”.
Phần lớn mỗi hộ dân ở Phú Xuân đều có từ 2 – 10 hồ nuôi, ngoại trừ các hộ nuôi chắn sáo trên phá, các hộ còn lại đều thực hiện chuyển đổi 1 – 2 hồ sang nuôi xen ghép.
Ông Hà Xuân Vạch, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn Thủy Diện, xã Thủy Xuân chia sẻ: “Thường mỗi hồ nuôi chuyên tôm sẽ lãi cả trăm triệu chỉ sau 3 tháng nuôi, song cũng có vụ trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất. Nuôi xen ghép này dù lãi ít nhưng đỡ tốn công, ít rủi ro. Khác với nuôi chuyên canh phải chờ tới cuối vụ mới có thể thu hoạch, nuôi xen ghép cóthể liên tục thu lợi nhuận do đặc điểm phát triển của mỗi loài”.
Tags: nuoi xen ghep thuy san, nuoi ca, nuoi trong thuy san