Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Nuôi tôm trên cát

Trở thành một trong những địa phương đi đầu về mô hình này, Quảng Nam hiện có diện tích thả nuôi trên địa bàn tỉnh là 300 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Núi Thành và Thăng Bình.Mô hình nuôi tôm trên cát ven biển tại tỉnh Quảng Nam được bắt đầu từ năm 2005 với chủ yếu diện tích thả nuôi là tôm sú. Đến năm 2007, một số hộ dân trong tỉnh đã học tập kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng từ các địa phương đã có mô hình nuôi thành công và bắt đầu triển khai thả nuôi hàng loạt trong tỉnh.

Theo anh Nguyễn Đình Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT, Núi Thành là huyện nuôi tôm trên cát nhiều nhất trong toàn tỉnh. Những mô hình nuôi đạt hiệu quả cao của huyện tập trung chủ yếu ở các xã Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải,…

Vận hành hệ thống quạt cung cấp oxy cho các ao nuôi tôm.

Cấp nước vào ao nuôi qua hệ thống bơm, hệ thống quạt nước cung cấp oxy hòa tan để tôm và các vi sinh có lợi phát triển.

Hệ thống quạt nước cung cấp oxy cho tôm và các vi sinh có lợi.

Anh Sơn cũng cho biết thêm, thấy việc nuôi tôm thẻ chân trắng hợp với thổ nhưỡng của địa phương, huyện đã chủ trương và định hướng quy hoạch vùng cho người dân nuôi tôm. Các cán bộ của huyện đã kết hợp cùng một số cán bộ của Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam đi xuống tận nơi hướng dẫn người dân cách xây đầm để đảm bảo vệ sinh môi trường nước.Theo chân anh Lê Văn Phú, cán bộ thủy sản, thú y của xã Tam Hòa, chúng tôi được trực tiếp đến thăm mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao của một số hộ gia đình tại thôn Hòa An. Anh Phú cho biết, ngày trước thôn Hòa An là thôn nghèo nhất trong xã. Thế nhưng từ khi có phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thì mảnh đất này đã thay da đổi thịt.

Hiện nay toàn xã Hòa An có hơn 800.000 m2 diện tích ao nuôi. Phong trào nuôi tôm trên cát ở xã Tam Hòa bắt đầu từ năm 2006 với một số mô hình điểm của các hộ gia đình tiên phong như: ông Huỳnh Văn Quyền, ông Đỗ Văn Lưu,… “Mới đầu chỉ manh nha là thế, cho đến nay số hộ nuôi đã lên đến 90% ( thôn Hòa An), hơn 50% (thôn Hòa Bình)”, anh Phú cho biết thêm.

Theo giới thiệu của anh Phú, chúng tôi tìm đến gia đình anh Phạm Ngọc Thảo, một trong những hộ gia đình có mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao của thôn Hòa An.

Đây là năm thứ 6 gia đình anh Thảo chuyển sang nuôi tôm. Sau những năm đầu manh nha nuôi 1 – 2 ao, thì cho đến nay gia đình anh đã mở rộng trên diện tích 1,4 ha. Số ao nuôi đã lên đến 7 ao. Trung bình 1 năm, gia đình anh Thảo nuôi 3 vụ. Mỗi vụ kéo dài 90 ngày tuổi là cho thu hoạch. Thời gian còn lại sau mỗi vụ thu hoạch, anh cho công nhân vệ sinh ao, đầm để giữ vệ sinh môi trường nước.

Tôm được cho ăn 2 lần trong 1 ngày.

Thu hoạch tôm nuôi trên cát tại một hộ gia đình ở Núi Thành.

Tôm thẻ chân trắng thành phẩm hiện được bán ngay tại đầm nuôi với giá khoảng 120 ngàn đồng/1 kg.

Tôm sau khi thu hoạch được các xe đông lạnh thu mua và chở đi tiêu thụ các nơi.

Theo anh Thảo, thổ nhưỡng ở vùng Tam Hòa rất đặc thù mà không nơi nào có được. Đó là có dòng sông Trường Giang chạy dọc theo diện tích thôn. Do đó các hộ gia đình nuôi tôm nơi đây rất thuận tiện trong việc lấy và xả nước sau mỗi vụ thu hoạch. Đó là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo nước nuôi tôm và môi trường nuôi tôm luôn được giữ gìn vệ sinh.Chi cục Thủy Sản của Tỉnh Quảng Nam cũng đang khảo sát và tư vấn, quy hoạch xây đầm sạch cho các hộ gia đình nuôi tôm trong xã. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ có 1 ao riêng để xử lý nước nuôi tôm trước khi xả ra môi trường.

Đứng trên chuyến phà cuối ngày rời khỏi thôn Hòa An, chúng tôi thực sự cảm nhận được sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Nếu như trước đó một vài năm vùng đất này vốn được người dân gọi là đảo cát, thì bây giờ nhờ sự đầu tư mạnh dạn của các hộ gia đình như anh Thảo, nó đã biến thành “đảo Tôm”. Và điều quan trọng hơn cả đó là nghề nuôi tôm trên cát đã giúp người dân xã nghèo Tam Hòa nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.

Tags: ky thuat nuoi tom, nuoi tom cang xanh, nuoi tom tren cat, nuoi thuy san