Với quy trình này, mối lo về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường chung quanh đã được giải quyết một cách cơ bản.
Tại huyện Hải Lăng có một khu nuôi tôm công nghiệp lớn nhất và cũng từng bị tai tiếng nhất tỉnh Quảng Trị. Sau mấy năm khởi động, dự án này đã để lại hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế mà quan trọng hơn là nguy cơ sa mạc hóa và ô nhiễm môi trường tác hại đến cuộc sống của hàng vạn người dân trong khu vực.
Hành trình của dự án này bắt đầu từ Công ty An Sinh (ASC), Công ty Việt Mỹ (ATI), rồi nay là Công ty chăn nuôi CP Việt Nam (CP VINA). CP VINA đến Quảng Trị với loại tôm thẻ chân trắng xuất xứ từ Hawait.
Con tôm sú Việt Nam với những nhược điểm khó khắc phục đã chính thức thoái vị tại dự án nuôi công nghiệp lớn nhất tỉnh này. Cùng với sự xuất hiện của tôm thẻ chân trắng, tuyên bố trên của Công ty CP VINA lại mở ra hy vọng mới về tính hiệu quả của dự án nuôi tôm trên cát ở Quảng Trị.
Khác quy trình nuôi của hai công ty ASC và ATI, với Công ty CP VINA chỉ dùng nước biển và tuần hoàn từ ao nuôi qua ao dự trữ xử lý. Trong hệ thống ao, CP VINA phân bố 60% dùng để nuôi, 30% dùng để dự trữ nước, còn 10% là ao chứa chất thải và xử lý vệ sinh.
Nước từ biển bơm qua lưới lọc vào ao chứa, sau khi được xử lý sẽ đưa vào ao nuôi, thu hoạch xong, nước sẽ được đưa ra ao xử lý bằng chlorine 3-5 phần nghìn và sục khí điều hòa ô-xy rồi quay trở về ao chứa, lại tiếp tục xử lý và đưa vào ao nuôi. Lượng nước hao hụt do bốc hơi sẽ được bổ sung từ hệ thống cấp.
Như vậy, quá trình nuôi không cần phải thay nước sau mỗi vụ thu hoạch như với con tôm sú trước đây. Nền đáy ao được lót bạt dày 0,75 cm bảo đảm nước không rò rỉ ra chung quanh. Với quy trình này, không lo về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm vùng ven biển do lấy nước nuôi tôm và môi trường không bị ảnh hưởng bởi nước thải thay ra sau mỗi vụ nuôi.
Vậy nuôi tôm thẻ chân trắng có khác nuôi tôm sú trước đây?
Khác với tôm sú, tôm thẻ chân trắng vẫn phát triển bình thường trong môi trường nước có độ mặn bình thường từ 20 đến 30 phần nghìn. Và thực tế qua hai vụ nuôi ở Hải Lăng, có khi độ mặn lên đến trên 50 phần nghìn nhưng tôm vẫn phát triển.
Vụ đầu tiên CP VINA nuôi vào mùa hè. Thả tôm vào tháng 7-2005 và thu hoạch vào tháng 10-2005 trên diện tích 26 ha. Thời kỳ này nắng nóng đã khiến nước bốc hơi mạnh, độ mặn khi thả tôm giống là 35 phần nghìn, sau tăng lên trên 50 phần nghìn, nhưng tôm vẫn phát triển bình thường và cho năng suất 14 tấn/ha. Tiếp đến vụ này CP VINA nuôi trên diện tích 40 ha, thời tiết dịu hơn nên năng suất đạt 18 tấn/ha.
Nuôi tôm bằng nước biển tuần hoàn ở vùng nắng nóng như Hải Lăng thì giải pháp khắc phục khi độ mặn lên cao chỉ có thể là tăng cường sục khí, cấp bù nước và giảm mật độ.
Theo ông Cham-long Ko-la-tút, cái quan trọng nhất của quy trình nuôi tôm khép kín là phòng bệnh và xử lý môi trường. Bởi thế, đầu tư cho hệ thống trại tôm và kỷ luật vệ sinh ra vào trại hết sức nghiêm ngặt. Ngoài sự phòng ngừa mầm bệnh xâm nhập từ ba đường: nước, trên không và trên bộ bằng hệ thống lưới, lọc, có bể sát trùng cho phương tiện và người vào trại. Mỗi ao lại có bể thuốc tím rửa tay, chân. Dụng cụ từng ao được để riêng sau khi vệ sinh khử trùng, v.v.
Kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề nuôi tôm ở Thái-lan mà ông Cham-long đúc kết được là tôm sú hay tôm thẻ chân trắng đều có nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm như nhau. Riêng bệnh Tau-ra lây nhiễm từ vi-rút thật sự là thảm họa với loài tôm thẻ chân trắng.
Mắc bệnh này, coi như mất trắng bởi hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ðiều này không như một số ý kiến cho rằng loại tôm này có khả năng kháng bệnh cao hơn tôm sú và những ao nuôi tôm sú trước đây phải bỏ vì dịch bệnh ô nhiễm nặng vẫn nuôi được tôm thẻ chân trắng bình thường.
Vậy, vì sao tôm thẻ chân trắng tỏ ra thắng thế hơn tôm sú?
Nguyên do là giống tôm thẻ chân trắng đang được đưa vào nuôi ở Việt Nam đã qua khâu kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Tôm thẻ chân trắng được nhập từ những trung tâm thuần hóa ở Ha-oai về Thái-lan. Tại đây, tôm tiếp tục được tuyển thành tôm bố mẹ và đưa về Việt Nam.
Vì vậy, giống tôm thẻ chân trắng được trải qua rất nhiều khâu kiểm tra chất lượng. Ngược lại, tôm sú bố mẹ được bắt từ tự nhiên, từ nhiều nguồn khác nhau mà không kiểm soát được chất lượng, độ rủi ro cao và ngày càng khó khăn do bệnh tật phát triển nhanh.
Chính vì thực tế này mà hiện nay một số nước, như Thái-lan, Trung Quốc đã phải thay con tôm sú bằng tôm thẻ chân trắng. Ông Cham-long cho hay, hiện ở Thái-lan, diện tích nuôi tôm sú chỉ còn hơn 10% mà thôi.
Như vậy, tôm thẻ chân trắng có mặt ở Việt Nam hiện nay tỏ ra ưu thế bởi kiểm soát được đầu vào. Nhưng nếu phong trào nuôi loại tôm này ngày càng tự phát như tôm sú trước đây và không kiểm soát được nguồn giống cũng như quy trình nuôi nghiêm ngặt thì liệu số phận con tôm thẻ chân trắng có theo đuôi con tôm sú ở nhiều vùng dịch bệnh hoành hành hay không?
Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra! Bởi từ kinh nghiệm của Thái-lan mà ông Cham-long cho biết, hội chứng Tau-ra đã khiến không ít vùng tôm ở nước này lao đao. Qua điều tra, nguyên nhân cho thấy do bùng phát phong trào nuôi mà nguồn giống không kiểm soát được, dẫn đến hậu quả này.
Trở lại với trại tôm Hải Lăng. Tôm vụ thứ hai đang tiếp tục thu hoạch. Ðể đến được ao nuôi, chúng tôi phải đi ủng bảo hộ của trại, lội qua máng nước tím khử trùng. Tại mỗi cầu ao lại có thêm một thùng thuốc tím để khử trùng tay và đồ dùng khi chăm sóc tôm. Khác với các trại nuôi tôm thông thường, ở đây ao nuôi như nằm trong nhà kính, với hệ thống lưới, rào bảo vệ cả dưới đất, dưới nước lẫn trên không.
Mỗi ao nuôi chỉ gần ha mà lắp đến chín máy quạt nước sục khí xoáy loại lớn. Trong ao suốt 24 giờ trong ngày nước tung bọt trắng xóa và chảy thành dòng vòng quanh ao. Với cách lắp đặt quạt nước này, không những lượng ô-xy được điều hòa mà toàn bộ chất cặn bã đều bị dồn vào giữa. Khi thu hoạch xong, chỉ cần bơm nước ra là dọn vệ sinh lòng ao dễ dàng hơn.
Ông Cham-long kéo rá đựng thức ăn ở một ao nuôi bắt lên mấy con tôm đã hơn 100 ngày tuổi. Ông giới thiệu đây là những ao được nuôi dài ngày hơn bình thường để tạo ra tôm cỡ lớn cho các hợp đồng đã ký với đối tác tiêu thụ. Với loại này, khoảng 140 ngày tuổi, tôm sẽ đạt 40-45 con/kg.
Ông tính toán, vụ này CP VINA sẽ thu được khoảng 720 tấn tôm, mỗi ha đạt doanh thu gần một tỷ đồng và lãi rất cao, gần 40%.
Chúng tôi cũng đến thăm trại tôm của một nông dân Quảng Trị đầu tiên ở Triệu Lăng (Triệu Phong) với sự hỗ trợ kỹ thuật của CP VINA đã mạnh dạn nuôi một héc-ta tôm theo quy trình dùng nước biển khép kín này.
Anh Võ Ðức Thiên sau khi thất bại với những ao tôm sú ở Triệu Ðộ do dịch bệnh đã thuê lại mặt bằng của trại tôm giống cũ để nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhìn qua là biết ngay cơ sở nuôi của anh đã nhận chuyển giao công nghệ khép kín của CP VINA. Chỉ khác là anh không lót bạt làm ao trên cát mà tận dụng lại hai bể xi-măng.
Võ Ðức Thiên tỏ ra rất mê mô hình của mình bởi qua hai vụ nuôi, anh đã có doanh thu khá cao, lợi nhuận hơn 40%. Hiệu quả gấp nhiều lần so với nuôi tôm sú.
Nhưng khả năng nhân rộng mô hình này trên vùng cát Quảng Trị đến đâu?
Các chuyên gia đến từ nhiều tỉnh miền trung và Quảng Trị đều khẳng định, nếu nuôi tôm sú vấn đề cốt lõi là vốn và kỹ thuật, thì với tôm thẻ chân trắng hai vấn đề này lại càng phải được đề cao. Bởi suất đầu tư cho mô hình này khá lớn.
Tại trại tôm Hải Lăng CP VINA phải đầu tư đến 700 triệu đồng mỗi ha. Anh Võ Ðức Thiên, tư nhân đầu tiên của Quảng Trị nuôi theo công nghệ này cũng phải đầu tư đến 500 triệu/ha, gấp đôi số vốn mà trước đây anh từng bỏ ra để nuôi tôm sú… Khoản vốn này so với khả năng của bà con nông dân vùng bãi ngang Quảng Trị là quá lớn.
Mặt khác, nếu nhân rộng mô hình này thì giống tôm sẽ là vấn đề nan giải, bởi phải nhập ngoại với sự kiểm soát gắt gao về chất lượng. Nếu không, sẽ lặp lại thảm họa dịch bệnh như tôm sú.
Vậy, với Quảng Trị nói riêng và vùng cát bãi ngang miền trung nói chung nên đón nhận mô hình tôm thẻ chân trắng của CP VINA như thế nào?
Các chuyên gia khuyến cáo, với điều kiện của Quảng Trị, để khai thác tốt nguồn tài nguyên hơn 30 nghìn ha cát ven biển cần nhân mô hình này càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, bởi yêu cầu về vốn, kỹ thuật và kỷ luật chăn nuôi rất cao như mô hình CP VINA, chỉ có thể những đối tượng đủ điều kiện mới thực hiện được. Ðồng thời, nếu phát triển mô hình này, các cơ quan chức năng cần phải có đủ khả năng kiểm soát về chất lượng giống và an toàn môi trường.
Tags: mo hinh nuoi ca tra, nuoi ca tra