1. Tổng quan về Ozone
Trong tự nhiên, O3 được tạo ra khi có sấm sét, trong công nghiệp O3 được tạo thành bằng cách phóng điện trong không khí thường hay ôxy nguyên chất. O3 vào nước sẽ phản ứng với nước ngay tức thì, nước có độ pH càng cao (nước mặn, lợ) thì khả năng ôxy hóa sẽ càng lớn và hiệu quả ôxy hóa Nitrit (NO2-) sẽ cao hơn so với Amôn (NH4+).
Khi vào nước nhờ khả năng ôxy hóa cực mạnh của mình mà O3 có thể phá vỡ màng tế bào và phá hủy enzyme của vi sinh vật. Khả năng khử trùng của O3 rất rộng, bao gồm vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Theo các nghiên cứu, tốc độ diệt khuẩn của O3 cao gấp 3.100 lần so với Chlorine và không để lại dư lượng tồn lưu hóa chất độc hại đối với môi trường. Chỉ cần lượng O3 trong nước (0,1 – 1 ppm) thời gian 1 – 2 phút là có thể tiêu diệt được 99% vi khuẩn có trong nước. O3 cũng độc đối với tôm cá nhưng dễ bị phân hủy sau 10 – 20 phút.
Ngoài khả năng sát trùng cao, O3 còn làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan. Đặc biệt, nó có thể phá vỡ dễ dàng sự liên kết các phân tử mạch vòng trong thuốc bảo vệ thực vật nên được dùng để khử dư lượng thuốc trừ sâu trong nước. Sử dụng O3 trong nước biển có thể tạo ra một số hợp chất tương đối bền gốc Brôm như Brôme, Brômate hay axít hyobromous có tính độc đối với động vật thủy sinh, tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nào xác định chúng gây độc cho tôm, cá.
2. Ứng dụng trong nuôi thủy sản
O3 có ứng dụng hiệu quả trong nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các trại ương nuôi tôm cá biển. O3 hoàn toàn có thể thay thế Chlorine dùng để khử trùng trại giống và xử lý nước trong các bể ương nuôi. Nếu nước biển có độ đục cao thì có thể kết hợp O3 với Chlorine liều nhẹ (7 – 15 ppm) để làm trong nước nhanh và khử trùng hiệu quả. Sử dụng O3 xử lý nước có thể thay thế hóa chất, kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt, ấu trùng tôm cá phát triển nhanh, đồng đều, nâng cao chất lượng con giống. Trong nuôi tôm, cá bố mẹ, O3 xử lý nước giúp hạn chế được dịch bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Đối với nuôi tôm, cá thương phẩm, O3 làm tăng lượng ôxy hòa tan, phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và hạn chế tối đa việc thay nước. Khi sử dụng cần lưu ý đến liều lượng, thời gian sử dụng và vị trí trong ao nuôi nhằm tăng hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến vật nuôi. Có thể đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi khí nhằm tạo ra bọt khí O3 nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc và thời gian lơ lửng trong nước giúp sát trùng được hiệu quả.
>> Tuy công nghệ O3 có hiệu quả trong nuôi thủy sản nhưng do giá bán đắt nên công nghệ này chưa phổ biến rộng mà chủ yếu được ứng dụng ở các trại sản xuất giống tôm, cua, cá biển và một số ao nuôi tôm, cá công nghiệp.
Tags: ung dung Ozone (O3) , nuoi trong thuy san, Ozone (O3), nuoi tom, nuoi thuy san