Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh Hùng đã quyết định chọn con ếch Thái Lan về nuôi. Năm 2010, anh bắt tay vào thực hiện kế hoạch với khởi điểm là 6.000 con, nuôi trong lồng lưới rộng 70 m2 với mật độ 80 – 100 con/lồng. Con giống chủ yếu được anh chọn lọc, thu gom từ các trại ếch ở các khu vực lân cận.
Nhờ sở thích đặc biệt đối với loài động vật lưỡng cư này cùng với sự ham học hỏi, anh dần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nuôi. Hiện tại, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi ếch Thái Lan với diện tích hơn 600 m2 trên khu đất đồi nhà mình. Anh đã thay đổi cách thức từ nuôi trong lồng lưới chuyển sang nuôi trong bể xi măng, nền lát gạch tráng men.
Anh Hùng cho biết: “So với cách nuôi ếch trong lồng lưới thì cách nuôi trong bể xi măng có nhiều ưu điểm. Vì khoảng không gian rộng nên có thể dễ dàng vào bể để sàng lọc ếch. Vì đặc thù của ếch là loại vật “máu lạnh”, sát hại lẫn nhau, con lớn có thể ăn con bé nên khi nuôi không được nuôi chung mà phải tách riêng, nuôi chung các con có cùng kích cỡ để tránh con lớn ăn con bé. Như vậy, nuôi ếch trong bể xi măng thì tỷ lệ hao hụt sẽ giảm rất nhiều.
Hơn nữa, việc lát đáy bể bằng gạch tráng men sẽ giảm độ trơn trượt, ếch sẽ không bị trầy xước da. Cách nuôi theo hình thức này sẽ mang lại chất lượng và hiệu quả cao cho đàn ếch”.
Thời điểm ếch đạt số lượng cao nhất, anh Hùng ước tính đạt hơn 3 vạn ếch thịt. Trong một bể xi măng anh nuôi với mật độ 70 – 80 con/m2 (đối với ếch thịt). Anh chia sẻ kinh nghiệm, khi xây bể không nên xây rộng quá 15 m2, thành bể cao chừng 80 phân, đáy bể nên xây bằng phẳng, tránh xây dốc.
Vì ếch là loài lưỡng cư nên mực nước trong bể không để quá cao, chỉ nên để ngập nửa con. Phải thường xuyên thay nước cho ếch để tránh nguy cơ mắc bệnh do môi trường sống. Mỗi ngày, anh Hùng thay nước cho ếch hai lần trước mỗi lần cho ăn. Mỗi bể đều có hệ thống thoát nước và bơm nước dễ dàng.
Về thành phần thức ăn, ếch ăn cám công nghiệp Thái Lan và có thể ăn các loại cá tạp và giun quế. Nhưng vì nuôi với số lượng lớn và nuôi theo hướng công nghiệp nên anh Hùng cho ếch ăn cám là chủ yếu.
Một ngày, anh cho ếch ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát sau mỗi lần thay nước. Theo hạch toán của anh Hùng, để được 1 kg ếch thương phẩm thì mất 1,1 – 1,2 kg cám. Chi phí này theo anh là không lớn.
Các bệnh phổ biến của ếch thường là trắng mắt, ngoẹo cổ, bệnh gan và bệnh ghẻ da. Nhưng với kinh nghiệm nuôi ếch “bậc thầy” của mình, chỉ cần nhìn sự khác lạ là anh Hùng đã phát hiện ra bệnh và kịp thời cho ếch dùng thuốc.
Hiện nay, thuốc chuyên dùng dành cho ếch đã có nên việc phòng trị bệnh không còn là khó khăn. Mùa phát triển nhất của ếch là vào khoảng tháng 3 – 9 âm lịch, khi thời tiết ấm áp.
Anh Hùng cho biết, ngoài việc thường xuyên xuất bán ếch thương phẩm anh còn cung cấp ếch giống cho những người có nhu cầu. Thời điểm hiện tại, ếch giống có giá 1.500 đ/con; ếch thịt bán buôn từ 47.000 – 55.000 đ/kg, bán lẻ 60.000 – 70.000 đ/kg. 1 con ếch thịt khi xuất bán đạt trọng lượng 0,2 – 0,3 kg/con. Mỗi năm, anh Hùng xuất bán ra thị trường khoảng 30 vạn con giống và khoảng gần 10 tấn ếch thịt.
Anh Trần Đình Hùng là 1 trong 150 gương mặt thanh niên nông thôn tiêu biểu làm kinh tế giỏi vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2014 do T.Ư Đoàn TNCS HCM trao tặng. Đồng thời, cũng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu xuất sắc của huyện Sóc Sơn năm 2014.
Tags: nuoi ech thai lan, nuoi ech, ky thuat nuoi ech, ech thai lan, thuy san