Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo “Tổng kết nhân rộng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP” tại Cần Thơ.
Mô hình nuôi cá tra VietGAP đã chứng minh được hiệu quả nhưng vẫn còn đó những băn khoăn
Với ưu điểm vừa tạo sản phẩm sạch vừa giảm giá thành SX, mô hình đã được nhân rộng ra hàng trăm ha tại ĐBSCL.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2015 diện tích nuôi cá tra mới là 3.437ha (giảm 2,3% so với cùng kỳ 2014) và diện tích thu hoạch đạt 3.600ha (giảm 4,7% so với cùng kỳ 2014).
Sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014), năng suất trung bình đạt 285 tấn/ha (so với năm 2014 là 277 tấn/ha). Nhìn chung, sản xuất cá tra tăng ở các tháng đầu năm và bắt đầu giảm từ tháng 5/2015 so với cùng kỳ năm 2014.
Trong năm 2016, tình hình nuôi cá tra vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Tính đến tháng 7, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL là 1.705ha (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015), diện tích thu hoạch là 1.821ha (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2015).
Sản lượng đạt gần 570 tấn (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015), năng suất trung bình đạt 313 tấn/ha (so với năm 2015 là 285 tấn/ha). Trong đó, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre chiếm khoảng 89% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL.
Là chủ nhiệm Dự án nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP, ông Đặng Xuân Trường cho biết: Mô hình được áp dụng cho 20 cơ sở nuôi cá tra ở 7 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ).
Trong năm 2015, 100% cơ sở nuôi cá tra tham gia dự án với tổng diện tích 88,66ha đạt chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, mô hình còn được nhân rộng ra trên 400ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2014.
“Thực hiện nuôi VietGAP, các cơ sở được đào tạo về kỹ thuật nuôi cá tra sạch, chuyển sang sản xuất hàng hóa, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình giảm chi phí sử dụng thuốc hóa chất, người nuôi tiết kiệm được từ 10 – 15% giá thành sản xuất so với các mô hình nuôi không áp dụng VietGAP…”, ông Trường nói.
Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu trong hội thảo
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương ở ấp Tân Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) tham gia dự án chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào làm, việc ghi chép nhật ký ao nuôi rất khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên công việc ngày càng dễ dàng.
Đặc biệt, cá tra giảm dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống từ 70% lên 75%, tiết kiệm tiền thuốc được từ 100 – 200 đ/kg cá thương phẩm. Hệ số thức ăn từ 1,5 xuống còn 1,45. Lợi nhuận tăng thêm trên 100 triệu đồng/ha…”.
Ông Bành Đức Tín, PGĐ Trung tâm KN-KN Hậu Giang chia sẻ: “Nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP không hề đơn giản nhưng tôi cho rằng nông dân có thể làm được.
Điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo, sản phẩm của bà con được thu mua với giá cao hơn thị trường. Họ bỏ nhiều công họ phải nhận được xứng đáng. Chứ nuôi VietGAP bán với giá như nuôi thường thì rất khó”.
Một đại biểu đến từ Đồng Tháp đặt vấn đề, hiện nay thị trường cần cá tra sạch nhưng phải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP… Khi người dân nuôi đạt VietGAP thì cũng phải đạt được các tiêu chuẩn khó tính của thế giới, bán sản phẩm đi đâu cũng được.
Trả lời vấn đề trên, ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tiêu chuẩn VietGAP mới là tiêu chuẩn sạch của Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đang trong quá trình thương lượng với các tổ chức khác trên thế giới để các tiêu chuẩn có thể công nhận lẫn nhau. Trước mắt đề nghị ngành chức năng các địa phương cần tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư nuôi… Các viện, trường cần nghiên cứu tạo con giống tốt, quy trình nuôi tiến bộ giúp người nuôi giảm chi phí tăng hiệu quả.
“Người nuôi cá cần phải thay đổi tư duy nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng sản lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày càng khó. Nuôi cá tra thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đã chứng minh được tính hiệu quả và phù hợp với tình hình hiện nay”, ông Tiêu nhấn mạnh.