Trong số các loại gia cầm được bà con nông dân chăn nuôi hiện nay thì vịt được xem là một vật nuôi khá phổ biến, dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Do nguồn thức ăn yêu thích của vịt là cá tôm, sinh vật thủy sinh…nên vịt được chăn thả nhiều ở các vùng có điều kiện sông nước thuận lợi với số lượng từ nhỏ lẻ đến hàng nghìn con. Ngoài ra , cũng có thể áp dụng chăn nuôi tập trung theo hướng nuôi nhốt công nghiệp với các thức ăn được chế biến phù hợp cũng đem lại hiệu quả kinh tế tương tự.
Bà con có thể chăn nuôi vịt nhằm hai mục đích cơ bản là nuôi vịt đẻ thu trứng hoặc nuôi vịt xuất thịt. Dù là mục tiêu nào đi chăng nữa thì cũng đòi hỏi quá trình chăn nuôi vịt phải áp dụng đúng kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả cao.Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ với bà con những lưu ý vàng để ấp trứng vịt thành công, tạo được nguồn giống chất lượng để nhân đàn và phát triển quy mô chăn nuôi.
1.Chọn trứng cẩn thận trước khi đem vào ấp:Để đảm bảo ấp trứng vịt nở thành công thì khâu chọn trứng vô cùng quan trọng. Trứng được chọn phải là trứng được đẻ bởi những con vịt mái khỏe mạnh, có đặc tính sinh trưởng tốt và được thụ tinh bởi vịt trống để tránh tình trạng trứng vịt không có phôi . Đặc điểm trứng phải đều nhau, không quá to hay quá nhỏ, màu sắc tươi sáng,vỏ trơn nhẵn, không sần sùi, không nứt vỡ. Hình dáng trứng tròn dài đều, không quá nhọn hay quá tròn vì tỷ lệ lòng trắng và lòng đỏ sẽ không hợp lý, gây khó khăn cho phôi phát triển.Đặc biệt, nếu trứng dính ít bẩn bà con tuyệt đối không lau chùi kỹ bằng nước mà phải lau khô bằng vải sạch, loại bỏ những quả trứng quá bẩn, trứng đẻ lâu ngày( dưới 5-7 ngày).Có thể xông thuốc tím để sát trùng cho trúng nếu có điều kiện
2.Soi trứng theo định kỳ: Trong thời gian ấp bà con phải nhớ soi trứng đầy đủ hai lần. Lần thứ nhất tiến hành soi là sau 7-8 ngày ấp để phát hiện những quả trứng có dấu hiệu như thối, chết phôi, rạn nứt trong quá trình ấp. Việc làm này sẽ giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức và không gian ấp những quả trứng vô ích.Lần thứ hai soi trứng là sau khoảng 18 ngày ấp, thời gian này soi trứng để tiếp tục loại bỏ những quả trứng không đạt chất lượng và theo dõi sự phát triển của phôi trứng.
3.Đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ thích hợp: Muốn trứng nở thành công thì phải có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho phôi trứng phát triển. Đó là lí do vì sao vịt mẹ dùng thân nhiệt của mình để ấp trứng nở. Tương tự đối với việc ấp lò hay ấp bằng máy mini tại nhà cũng cần đảm bảo nhiệt độ cho trứng như sau:Khi vừa cho trứng vào ấp mức nhiệt là 37 độ C, Trứng từ 1-7 ngày ấp giảm xuống tầm 36,5 độ C,Sau 8-15 ngày tiếp theo là mức 37,5-38 độ C và tiếp tục duy trì đến 28 ngày khi trứng nở. Độ ẩm giúp phôi khỏe mạnh và giảm khô trứng, nên duy trì độ ẩm 60%-65% trong 8 ngày đầu, 9-23 ngày tiếp theo giảm xuống 50-55%, 24-28 ngày cuối tăng lên mức 65-70%.
4.Kiểm tra trứng nở: Trứng vịt sẽ nở sau khoảng 28 ngày ấp và có thể sớm hoặc lâu hơn tùy vào quá trình ấp trứng có đúng kỹ thuật hay không. Tuy nhiên những ngày dự đoán trứng nở bà con nên theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ, xử lí con non vừa tách vỏ nở ra vì chúng còn rất yếu, cần được bảo vệ trong môi trường thích hợp.