Tuy nhiên, tôm cũng là loài nuôi dễ mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của các chỉ số môi trường, kết quả là tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt.
Do đó, trong giai đoạn chuyển mùa khi nắng nóng kéo dài và đột ngột xuất hiện mưa trái vụ là điều kiện gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với tôm nuôi.
Vì vậy người nuôi cần đặc biệt lưu ý chăm sóc quản lý ao nuôi bằng những phương pháp quản lý ao hiệu quả.
Tác động đầu tiên dễ thấy khi nắng nóng kéo dài là nước ao bốc hơi nhanh làm tăng độ mặn tôm dễ bị nhiễm các bệnh do vi khuẩn và chậm lớn do tôm khó lột xác.
Mực nước trong ao tụt giảm, mực nước ao thấp hơn, làm cho các chỉ số môi trường trong ao như nhiệt độ, pH dao động mạnh trong ngày, tăng độ đục, làm tôm bị sốc, đề kháng yếu, giảm sức sống.
Hơn nữa độ mặn cao kết hợp với thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho tảo và rong đáy phát triển mạnh, cạnh tranh môi trường sống và oxy với tôm nuôi, gây hiện tượng tôm nổi đầu vào sáng sớm thậm chí gây chết hàng loạt.
Các chỉ số môi trường như nhiệt độ, pH, độ trong,…càng biến động đột ngột hơn khi xuất hiện mưa đầu mùa. Nước mưa sẽ rửa trôi phèn làm giảm pH nước, gây hiện tượng phân tầng nước trong ao,…làm tăng mức độ stress, giảm đề kháng và tăng nguy cơ dịch bệnh trên tôm. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe cho tôm hạn chế rủi ro khi nuôi tôm trong giai đoạn chuyển mùa cần lưu ý:
– Thả giống với mật độ vừa phải 50 – 70 con/m2. Ao nuôi chỉ nên chiếm 40% diện tích vùng nuôi.
– Bố trí ao lắng, dự trữ nước xử lý đúng quy trình, sẵn sàng cấp vào ao nuôi khi cần thiết.
– Duy trì mực nước trong ao trên 1,2 m, theo dõi và quản lý chặc chẽ các chỉ số môi trường, nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ mặn,… giảm thiểu biến động chất lượng nước ao nuôi.
– Thường xuyên kiểm tra gia cố bờ ao tránh để nước rò rỉ hoặc xâm nhập nước từ trong ra bên ngoài và ngược lại.
– Cấp nước đã xử lý từ ao lắng vào ao để bù lượng nước đã bốc hơi do nắng nóng. Cấp nước từ từ vào ao vào thời điểm trời mát khoảng sau 7 giờ tối, mỗi lần cấp khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao.
– Khi thấy có dấu hiệu xuất hiện mưa cần rải vôi quanh bờ ao để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi, ổn định kiềm và pH.
– Sau khi mưa phải kiểm tra các chỉ số môi trường để kịp thời điều chỉnh, xả bỏ lớp nước mặt, quạt nước để đảo trộn nước, phá vỡ sự phân tầng nước trong ao nuôi.
– Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao, tăng cường sức khỏe tôm.
– Điều chỉnh lượng ăn theo tình hình sức khỏe tôm, tránh cho ăn thừa.
– Nên có nhật ký nuôi tôm ghi chép lại các hoạt động hàng ngày tiện cho việc theo dõi tình trạng ao cũng như sức khỏe tôm nuôi.
Tags: nuoi tom, con tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ky thuat nuoi tom, ao nuoi tom