4. Chú trọng việc tỉa cành tạo tán cho cây Vú sữa trong giai đoạn kiến thiết cơ bản
Nhà vườn cần chú trọng việc tỉa cành tạo tán cho cây Vú sữa trong giai đoạn Kiến thiết cơ bản.
Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng để giúp cây Vú sữa phát triển cân đối, hạn chế gãy cành, lật gốc sau này.
Công việc này được thực hiện như sau:
– Cuối năm thứ nhất (kể từ sau ngày trồng cây xuống mô): nhà vườn nên cắt ngang ngọn cây, chừa lại 1m tính từ mặt đất lên (nhằm khống chế chiều cao), đồng thời chọn chừa một số cành cấp 1 xoay đều 3-4 hướng quanh trục thân chính, mỗi cành cách nhau khoảng 2 tấc trên thân chính.
– Cuối năm thứ hai: tỉa chừa cành cấp 2, nên tỉa sát thân cành, không tỉa ngọn cành.
– Cuối năm thứ ba: tỉa chừa cành cấp 3.
* Chú ý: trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tỷ lệ C/N thấp, lá ít hơn rễ, nên chỉ tỉa thưa (tỉa nhẹ ).
Việc bón phân cho cây trong giai đoạn nầy, phân hữu cơ là chính, phân hóa học phải cân đối NPK và mang tính chất bổ sung, sao cho cây phải có bộ tán thân cành lá trên mặt đất cân đối với bộ rễ ở dưới mặt đất.
5. Điều khiển mực nước mương ổn định
Nhà vườn cần điều khiển mực nước mương luôn cách mặt liếp khoảng 5-6 tấc (50-60 cm), đồng thời chú trọng xẻ rãnh “chắt“ nước theo chiều rộng của liếp (rãnh rộng 2-3 tấc, sâu 3-5 tấc).
Nhằm tích cực tháo nước hiệu quả sau những cơn mưa dầm, tránh oi, úng nước (úng nước là nguyên nhân chính gây thối rễ, chết cây vào mùa mưa lũ).
6. Trồng cỏ che phủ mặt liếp
Cỏ để che phủ mặt liếp có thể chọn trồng cỏ rau trai…
để che phủ mặt liếp, tránh “ hốc nắng” trong mùa nắng, tránh đóng váng bí đất vào mùa mưa, đồng thời giúp bốc thoát hơi nước giúp đất mau khô.
Cỏ cũng giúp thiên địch cư trú, ăn phấn hoa trong những lúc không có sâu hại (duy trì thiên địch trong vườn).