Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Nhân Giống Ốc Hương Ở Bình Định


Ốc hương là loài thủy sản sống trong môi trường nước biển tự nhiên, có độ mặn khoảng 30-34 phần ngàn, có nhiều ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Lâu nay ngư dân chỉ biết khai thác từ tự nhiên. Vài 3 năm trở lại đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) đã cho sinh sản nhân tạo thành công ốc hương và chuyển giao quy trình nhân giống, cung cấp giống bố mẹ và nguồn giống tảo lục làm thức ăn cho ấu trùng cho các tỉnh. Tiếp nhận quy trình này, Trạm Thực nghiệm Giống nuôi trồng thủy sản Cát Tiên (thuộc Trung tâm khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng thủy sản Bình Định) đã nhân giống ốc hương thành công.

Quy trình nhân giống:

Ốc bố, mẹ khai thác trong tự nhiên được chọn mua về từ một số tỉnh có nguồn giống tốt (Huế, Phan Thiết, Khánh Hòa …) cỡ ốc từ 15-20 con/kg, đạt tiêu chuẫn màu sắc tươi sáng khỏe mạnh. Những nhà chuyên môn khi trông ốc trưởng thành di chuyển nhìn các gai sinh dục trên các xúc tu có thể phân biệt được con đực – cái. Nhưng thông thường trong một quần thể ốc hương sống trong tự nhiên thì tỷ lệ giới tính là 1-1.

Sau khi đem từ tự nhiên về phải có sự thuần hóa về nhiệt độ từ 28-30 độ C như nhiệt độ trong trại nuôi. Độ mặn của bể nuôi từ 30-34 phần ngàn, độ pH từ 7-7,5. Đáy bể lót một lớp cát sạch, dày 5cm, luôn luôn duy trì mực nước từ 30-50cm. Cứ 1 m vuông bể thả từ 1-3 kg ốc bố mẹ, có sục khí thường xuyên 24/24 giờ, thức ăn của ốc hương là cua, ghẹ, tôm và một số loài nhuyễn thể tươi sống khác. Chúng ưa sống trong môi trường trong sạch nên phải thường xuyên thay nước hàng ngày và cứ 10-15 ngày thay cát một lần.

Ốc trưởng thành, sau khi nuôi vỗ từ 7-10 ngày thì tự phối giống và đẻ. Thường mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Trứng sau 4-5 ngày thì nở ra ấu trùng Verliger.

Ương nuôi ấu trùng Verliger

Ấu trùng nhỏ li ti bơi lội tự do trong nước. Thức ăn của chúng là tảo lục. Loại tảo này được Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản 3 lấy từ trong tự nhiên, rồi chọn lọc, phân lập, lưu giữ giống gốc trong phòng thí nghiệm. Sau đó cung cấp cho các nơi để nhân giống, nuôi trong bể, làm thức ăn cho ấu trùng ốc. Cứ khoảng 1 triệu ấu trùng thì cần 3-5 m khối tảo lục, nuôi với mật độ sinh thái cực đại. Ngoài tảo lục còn cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo (thức ăn tổng hợp) 2 lần/ ngày. Sau 15-17 ngày ấu trùng biến thái sang ốc con – thường bám vào đáy bể. Giai đoạn này cho ăn cua ghẹ, ốc … tươi xay nhỏ. Từ 15-20 ngày sau chuyển thành ốc con thực thụ và được chuyển sang bể ương. 20 ngày đến 1 tháng sau thì đưa vào nuôi thương phẩm.

Thức ăn cho ốc hương nuôi thương phẩm hoàn toàn bằng cá tạp, ghẹ, cua tạp … với mức độ phát triển bình thường thì sau từ 4-6 tháng ốc đạt từ 140 – 160 con/kg là bán được. Nếu tính ra tiêu tốn 3-4kg thức ăn cho mỗi kg ốc. Theo giá hiện nay là 160.000 – 240.000đ/kg thì người nuôi ốc hương có thu nhập rất cao.

KS Phan Thanh Việt – Trưởng trạm cho biết năm 2005 Trạm có kế hoạch xuất 20 vạn ốc hương giống phục vụ cho thị trưởng nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Thực tế năm 2004 ở Bình Định đã có 4 hộ ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) nuôi ốc hương thương phẩm (mua giống từ Khánh Hòa). Vì qui mô nuôi còn nhỏ, lẻ nên chưa tạo được thị trường tiêu thụ mạnh mẽ.