Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới hiện nay cũng xem đó là những đối tượng quan trọng trong nuôi trồng thủy sản.
Tuy có nguồn gốc từ châu Phi nhưng cá Rô phi được các nước Đông á và Đông Nam á đón nhận và tạo điều kiện phát triển mạnh, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Philippin và Inđônêxia. Cá Rô phi có hơn 100 loài, nhưng chỉ có 15 loài được nuôi nhân tạo vì cho sản lượng đáng kể.
Bản chất của loài cá này có thể chịu đựng được nhiệt độ 400C nên có thể thích nghi với điều kiện sống ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Cá Rô phi nằm trong khoảng dao động rộng các yếu tố môi trường như pH, ôxy hòa tan, độ mặn,… vì thế, chúng được xem là đối tượng dễ thích nghi và dễ nuôi, chất lượng thịt cũng ngon và thơm, nên rất được người tiêu dùng trên thế giới và trong nước ưa chuộng.
Hiện nay, một trong những loài được nuôi nhiều ở châu Á là loài Oreochoromus aureus, chiếm 70% tổng số cá Rô phi nuôi trong vùng (Dey và Eknath, 1997). Trước đây cá Rô phi chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sản phẩm này được xuất khẩu vào Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc và một số thị trường khác.
ở Mỹ, lượng cá Rô phi được tiêu thụ tăng lên 75.000 tấn vào năm 2002. Trong các năm 1996 – 1999, riêng lượng cá Rô phi được tiêu thụ tại Canađa tăng 365%, ở ả Rập là 204%. Nhu cầu cá Rô phi cũng gia tăng nhanh chóng ở thị trường các nước châu Âu.
Ngày nay có nhiều thành tựu khoa học và công nghệ về nuôi cá Rô phi. Một trong số đó là nuôi cá Rô phi đơn tính (toàn đực), lai tạo giữa các loài để tạo được dòng cá lớn nhanh nhất, cải tiến sản xuất con giống, thức ăn và phương pháp cho ăn, kiểm soát dịch bệnh, hệ thống nuôi. Chính những thành tựu này đã tạo cơ sở vững chắc cho nghề nuôi cá Rô phi phát triển nhanh và đạt kết quả cao.
Tại Việt Nam, hằng năm khoảng 5.000 – 7.000 tấn cá Rô phi được tiêu thụ nội địa. Rô phi là một trong những loài cá nuôi kinh tế nhất và là loài có sức đề kháng cao hơn so với các loài khác. Tuy nhiên, với mô hình nuôi thâm canh (mật độ dày), dễ làm phát sinh dịch bệnh.
Bệnh ở cá Rô phi gồm: bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng. Đặc việt là bệnh do vi khuẩn Streptococcus là nguyên nhân gây nên thiệt hại lớn ở cá Rô phi nói riêng và cá nước ngọt nói chung, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành nuôi trồng thuỷ sản thế giới (Stoffregen et al., 1996; Shoemaker và Klesius, 1997). Ước tính thiệt hại hằng năm khoảng 150 triệu USD (Shoemaker and Klesius, 1997).
Ngoài Streptococcus ra, còn có khuẩn Staphylococcus epidermidis cũng gây chết hàng loạt cá Rô phi trong các năm 1992 – 1995 ở Đài Loan. Aeromonas hydrophila cũng được cho là tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho cá Rô phi, với những biểu hiện xuất huyết bên ngoài và các cơ quan nội tạng.
Bên cạnh đó, cá Rô phi còn bị bệnh do một số loài ký sinh trùng như Trichodia, Columnaris,… Vi rút gây bệnh trên cá Rô phi được biết đến hiện nay là Irido – like, tuy nhiên, tác nhân gây bệnh này vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Để khắc phục phần nào những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra đối với cá Rô phi Oreochromis spp. nuôi thâm canh, tác giả đã cùng với đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu các bệnh nguy hiểm thường gặp ở cá Rô phi Oreochromis spp. nuôi thâm canh. Đây thực sự là nhu cầu cấp thiết, với mục tiêu : Xác định tác nhân gây bệnh và đề ra biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Sau quá trình điều tra, thu mẫu phân lập vi khuẩn và gây cảm nhiễm ngược, xác định tác nhân gây bệnh cho cá nuôi ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang (trong các năm 2003 – 2005), nhóm tác giả đã đưa ra một số kết luận như sau:
1. Kết quả điều tra
– Thời gian mà cá dễ mắc bệnh là vào mùa mưa (34,8% ở An Giang; 40% ở Vĩnh Long và 39,4% ở Tây Ninh). Tỷ lệ thiệt hại từ 7 – 10%, cá thường mắc bệnh ở giai đoạn 1 – 4 tháng tuổi. Bệnh thường gặp là bệnh xuất huyết, chiếm tỷ lệ cao (70% ở An Giang và 80% ở Vĩnh Long), riêng ở Tây Ninh thì tỷ lệ này thấp hơn (39,4%).
– Hiệu quả điều trị bệnh đạt 25 – 50%. Hoá chất được sử dụng là muối ăn, vôi (treo đầu bè), hoặc kháng sinh (trộn vào thức ăn).
2. Kết quả thu mẫu phân lập vi khuẩn
– Bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn gây ra cho cá Rô phi nuôi tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thường xuất hiện nhiều vào các tháng giao mùa và mùa mưa, chiếm 40-50%. Vào mùa khô, tỷ lệ này là 11,2%.
– Trong số các chủng vi khuẩn phân lập được trong năm 2003 tại hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long, chủng vi khuẩn Streptococcus có tần suất cao nhất, chiếm 95 – 100% vào mùa khô (tháng 1) và giai đoạn giao mùa (tháng 5, tháng 11). Vào thời điểm mùa mưa (tháng 9) và thời điểm giao mùa (tháng 11) thì chủng Aeromonas hydrophyla có tần suất xuất hiện cao nhất (100%).
– Hai chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophyla và Streptococcus có tần suất xuất hiện cao nhất trong số 11 chủng vi khuẩn phân lập được trên 280 mẫu cá thu tại hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Chủng Streptococcus xuất hiện trên cá bệnh trong tất cả các tháng trong năm 2004, gặp ở mọi lứa tuổi của cá (từ 1 – 5 tháng), không gặp ở cá nhỏ hơn 1 tháng tuổi. Tỷ lệ xuất hiện cao nhất vào mùa khô. Và chủng Aeromonas hydrophyla cũng có mặt trong suốt các tháng của năm và hiện diện ở các lứa tuổi của cá. Nhưng ngược với chủng Streptococcus, chủng Aeromonas hydrophyla xuất hiện với tần suất cao vào mùa mưa và gặp nhiều ở cá dưới một tháng tuổi.
– So với các chủng vi khuẩn phân lập được trên cá bệnh thì tần suất xuất hiện của chủng Streptococcus là cao nhất vào giai đoạn giao mùa và mùa mưa năm 2005. Khác với mùa khô năm 2003 và 2004, tần suất xuất hiện của chủng Streptococcus trên cá bệnh là 0%, ngược lại chủng Aeromonas hydrophyla hiện diện với tỷ lệ rất cao (100%).
3. Kết quả gây nhiễm xác định tác nhân gây bệnh
– Tác nhân gây bệnh chủ yếu trong các giai đoạn : mùa khô (tháng 1 đến tháng 4), giao mùa (tháng 5) và đầu mùa mưa (tháng 7) của các năm 2003 – 2005 là chủng Streptococus. Trong giai đoạn mùa mưa năm 2003 và mùa khô năm 2005, tác nhân chính gây bệnh trên cá Rô phi là chủng Aeromonas hydrophyla. ở giai đoạn mùa mưa và thời kỳ chuyển giao cuối mùa mưa sang đầu mùa khô của năm 2004 và 2005, Aeromonas hydrophyla chỉ đóng vai trò là tác nhân gây bệnh cơ hội.
– Các tác nhân ký sinh trùng và nấm thường xuất hiện vào mùa mưa, đóng vai trò là tác nhân gây bệnh cơ hội.
4. Kết quả điều trị
– Có thể sử dụng các loại kháng sinh Erythromycin; Penicillin, Ampicilin trong việc điều trị vi khuẩn Streptococcus. Với vi khuẩn Aeromonas hydrophyla, có thể sử dụng các loại kháng sinh Gentamycin, Neomycin, Oxytetracycline, Trimethoprim – sulfamethoxazol, Kanamycin
– Có thể sử dụng các loại hóa chất như thuốc tím, iode, D4, BKC trong việc xử lý nước để tiêu độc.
5. Kết quả về môi trường và mùa vụ thả cá
– Giai đoạn mùa khô (tháng 1 – 4), điều kiện môi trường nước là lý tưởng nhất. Đây là giai đoạn thuận lợi nhất cho việc thả giống và nuôi cá. Nước chỉ đứng một lần trong ngày, thời gian nước đứng ngắn, đảm bảo được nhu cầu ôxy hoà tan cho cá.
– Giai đoạn giao mùa (tháng 5 – 6) điều kiện môi trường nước là tương đối tốt, tuy nhiên không nên thả cá vào giai đoạn này, vì cá sẽ phải chịu ảnh hưởng bất lợi của môi trường vào các tháng sau của mùa nước lũ.
– Giai đoạn mùa mưa (tháng 7 – 10), do ảnh hưởng của nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên hàm lượng phù sa nhiều và nước rất đục. Độ trong thấp, độ kiềm thấp, hàm lượng ammonia trong nước cao hơn các thời điểm khác trong năm.
– Giai đoạn giao mùa (tháng 11 – 12) là thời điểm cá dễ nhiễm bệnh do điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột. Nước đứng nhiều lần trong ngày, thời gian của mỗi lần nước đứng kéo dài, vì vậy hàm lượng ôxy hoà tan thấp hơn so với các thời điểm khác trong năm. Ngoài ra, tháng 12 và tháng 1 là hai tháng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, thời tiết lạnh hơn gây nên sự kém ăn của cá, cá chậm phát triển so với những thời điểm khác.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
– Do dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra ở cá Rô phi Oreochromis spp. nuôi thâm canh vào hầu hết các tháng trong mùa mưa (từ tháng 7 – 10) và các tháng giao mùa, gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khoẻ của cá, nên phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh chặt chẽ trong các tháng này.
Cụ thể là : Tăng cường sử dụng vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá; Có chế độ “bồi dưỡng” đặc biệt, nhằm đảm bảo sức khoẻ cho cá; Định kỳ sử dụng các hóa chất (như thuốc tím) để tẩy trùng nước; Tránh nuôi cá ở mật độ dày,…
– Nghiên cứu chế vắc xin phòng bệnh cho cá.
– Phương pháp PCR nên phát triển và mở rộng hơn cho tất cả các chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá Rô phi cũng như các loài cá khác
Tags: nuoi ca, nuoi ca ro phi, ky thuat nuoi ca ro dau vuong, ki thuat nuoi ca ro dau vuong, ky thuat nuoi ca ro phi, ky thuat nuoi ca ro phi