Hai thành phần chính của men vi sinh là vi khuẩn có lợi và các chất dinh dưỡng để nuôi vi khuẩn. Vi khuẩn có lợi được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng gồm các loài như Bacillus sp., Nitrosomonas, Nitrobacter… Chất dinh dưỡng là các loại như đường, muối canxi, muối magiê…
Về hình thức, men vi sinh có 02 dạng, dạng nước và dạng bột (hay dạng viên). Bình thường, dạng bột có mật độ vi khuẩn có lợi cao hơn so với dạng nước. Về chủng loại, men vi sinh có 02 loại, loại dùng để xử lý môi trường (loài vi khuẩn chính là Bacillus sp.) và loại trộn vào thức ăn (loài vi khuẩn chính là Lactobacillus).
Các lợi ích mang lại khi sử dụng men vi sinh: Làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi tôm, cá; Nâng cao sức khoẻ và sức đề kháng của tôm, cá; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi và xung quanh do nuôi thuỷ sản gây nên; Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
Các lợi ích đạt được như trên là do hoạt động tích cực của vi khuẩn qua một hay nhiều cơ chế tác động: Cạnh tranh mạnh mẽ chất dinh dưỡng, năng lượng và giá thể với các loài vi khuẩn có hại khác và tảo độc; Chuyển hoá các chất hữu cơ như thức ăn dư, xác tảo, cặn bã thành CO2 và nước; chuyển các khí độc như NH3, NO2 thành các chất không độc như NH4+, NO3-; Hạn chế vi khuẩn có hại trong đường ruột và giúp chuyển hoá hiệu quả thức ăn; Tiết ra một số chất kháng sinh, enzyme để kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh.
Để men vi sinh phát huy hiệu quả cao, người nuôi thủy sản phải tuân thủ một số nguyên tắc dùng sau đây:
– Hoà loãng men vi sinh bằng nước trong ao nuôi, cho vào xô, thau, sau đó sục khí 4 – 5 giờ đến khi men có mùi chua hay pH giảm thì đem bón.
– Định kỳ dùng trong quá trình nuôi. Thông thường 7 – 10 ngày/lần đối với loại xử lý môi trường và luân phiên sử dụng 5 ngày, sau đó ngưng 5 ngày đối với loại trộn vào thức ăn. Sử dụng cùng lúc với bón phân gây màu nước hay sau khi nước đã lên màu.
– Liều lượng dùng phải theo đúng theo đề nghị của nhà sản xuất.
– Khi môi trường ao nuôi có dấu hiệu hay đang suy giảm chất lượng như hàm lượng khí độc cao (NH3, H2S, NO2…), nước nhiều cặn bã, nước phát sáng thì men vi sinh được sử dụng sớm hơn so với thường ngày với liều lượng tăng gấp 2 lần so với đề nghị.
– Không được sử dụng men vi sinh cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, Chlorine, i-ốt, kháng sinh. Đồng thời, không được sử dụng men vi sinh khi các chất trên đang hiện diện trong môi trường nước hay trong thân tôm, cá nuôi.
– Trước khi bón men vi sinh cần cải thiện môi trường ao nuôi bằng các biện pháp như thay nước, bón vôi nâng pH lên 7,5 – 8,5, bón vôi + Dolomite + Khoáng nâng cao độ kiềm.
Men vi sinh sẽ có hiệu quả sau khi sử dụng 2 – 4 ngày, thể hiện qua màu nước và các chỉ tiêu môi trường.
Tags: men vi sinh, nuoi thuy san, nuoi tom