Lúa đông xuân và tôm càng xanh
Mô hình này có thể thực hiện ở vùng bị ngập lũ, nơi trồng lúa vụ hè thu bấp bênh và lúa thu đông khó thực hiện, hay những vùng sản xuất lúa hè thu kém hiệu quả.
Mùa vụ: Mùa vụ nuôi tôm càng xanh thường bắt đầu vào tháng 3 – 4 (DL) và kéo dài đến đầu vụ lúa đông – xuân. Vụ nuôi tôm kéo dài 7 – 8 tháng nên cỡ tôm thu hoạch lớn (size to) bán được giá và thích hợp cho việc thả tôm bột (Pl 15).
Thiết kế ruộng nuôi: Diện tích ruộng nuôi có thể thay đổi theo từng điều kiện cụ thể, thường từ 0,5 đến 4 ha. Ruộng phải có mương bao, chiếm 20 – 25% tổng diện tích ruộng. Mương rộng 2 – 3 m và sâu 0,8 – 1,0 m so với mặt ruộng.
Bờ cao 1 – 1,2 m (hoặc cao hơn đỉnh lũ), chân bờ rộng 3 – 4 m. Vào thời điểm lũ chính vụ (lũ lên cao nhất), cần chắn lưới trên bờ cao 30 – 50 cm để tránh tôm thoát ra ngoài.
Chuẩn bị ruộng và ao ương: Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân thì tiến hành chuẩn bị ruộng nuôi, như: tu sửa bờ ao, sên vét bùn ở các mương bao; sau đó bón vôi với liều lượng 150 – 200 kg/ha và phơi ruộng 3 – 5 ngày trước khi lấy nước.
Những ruộng có mương mới đào, hoặc bị phèn thì cần rửa phèn 2 – 3 lần trước khi bón vôi.
Cấp nước: Lấy nước vào ao sao cho ngập mặt ruộng 30 – 40 cm hay 0,8 – 1 m đối với ao ương và bón 30 kg phân hữu cơ hay 0,5 kg ure + 1 kg NPK (hoặc DAP)/1.000 m2 để gây màu nước. Sau 3 – 5 ngày bón phân, khi nước có màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả tôm.
Giống và mật độ thả: Mô hình này thích hợp thả tôm bột Pl 15 (cỡ 0,020 – 0,025 g/con) vì thời gian nuôi kéo dài. Mật độ thả 3 – 5 con/m2 ruộng.
Ương tôm: Tôm bột nên được ương 3 – 4 tuần trước khi thả ra ruộng, nhằm hạn chế hao hụt và dễ chăm sóc khi tôm còn nhỏ. Tôm bột có thể ương trong ao, một phần ruộng hay mương bao (5 – 10% tổng diện tích). Dùng lưới mùng, tấm nilon… ngăn mương để ương tôm.
Thức ăn và cho ăn: Trong thời gian ương, cho tôm ăn thức ăn chất lượng cao, như thức ăn công nghiệp hay bột cá, cho ăn bằng 10 – 20% trọng lượng thân.
Giai đoạn nuôi lớn, sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tự chế biến, nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Trong mùa lũ, thức ăn tự nhiên phong phú, có thể dùng thức ăn tươi (như cá, ốc, tép…) để giảm chi phí.
Chăm sóc và quản lý ruộng nuôi: Trong thời gian trước lũ từ tháng 4 đến 7 (DL) cần phải giữ môi trường nuôi tốt để tôm lớn nhanh: thay nước định kỳ, quản lý môi trường, cho ăn đầy đủ, hợp lý. Khi lũ về mang nhiều thức ăn nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, sức khỏe tôm; vì vậy cần chú ý các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa hiệu quả.
Thu hoạch: Có nhiều phương pháp thu hoạch. Có thể thu tỉa tôm cái sau 4 – 5 tháng nuôi kể từ khi thả giống hay thu 1 lần vào cuối vụ nuôi (tháng 11 DL) trước khi sạ cấy lúa đông xuân. Mô hình này có thể đạt năng suất 750 – 800 kg/ha/vụ.
Hai vụ lúa và một vụ tôm kết hợp
Mô hình này thích hợp với những vùng có thể canh tác được lúa hè thu và đông xuân; cũng giống mô hình trên nhưng có 3 tháng tôm được nuôi kết hợp lúa hè thu.
Mùa vụ: Mùa vụ nuôi tôm bắt đầu cùng với vụ lúa hè thu hay sau khi sạ/cấy lúa hè thu 1 tháng và kéo dài đến đầu vụ lúa đông xuân.
Thiết kế ruộng nuôi: Ruộng có diện tích 0,5 – 4 ha, được thiết kế giống như mô hình lúa đông xuân và tôm càng xanh ở trên.
Chuẩn bị ruộng: Sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân thì chuẩn bị ruộng để sạ/cấy lúa hè thu. Đối với lúa hè thu thì tuân thủ quy trình canh tác lúa; bên cạnh đó cần tu sửa bờ ao, mương để nuôi tôm.
Vì vụ lúa phải tiến hành theo đúng lịch thời vụ, còn nuôi tôm thì phụ thuộc nguồn tôm giống nên thường sạ lúa trước khi thả tôm. Nên sạ/cấy lúa theo hàng để tôm lên ruộng tìm thức ăn dễ dàng hơn.
Sau khi sạ lúa thì hạ nước trong mương bao và bón vôi cho mương bao với liều lượng 150 – 200 kg/ha để khử phèn và diệt khuẩn, sau 2 – 3 ngày bón phân để gây màu nước. Liều lượng 30 kg phân hữu cơ/1.000 m2 hay 0,5 kg ure + 1 kg phân NPK hoặc DAP/1.000 m2. Sau 3 – 5 ngày thì tiến hành thả tôm khi màu nước đã tốt.
Nguồn giống và mật độ thả: Nên thả tôm giống Pl 15 – Pl 20. Mật độ 3 – 5 con/m2. Tôm bột cần được ương 3 – 4 tuần trước khi thả nuôi.
Thức ăn và cho ăn: Thức ăn, cách cho tôm ương, tôm thịt ăn, quản lý ruộng nuôi giống như mô hình lúa đông xuân và tôm càng xanh. Tuy nhiên, ở mô hình này nếu trong thời gian nuôi phải phun thuốc trừ sâu ở lúa thì phải hạ nước để tôm xuống mương, sau khi phun thuốc 3 – 4 ngày (khi thuốc hết tác dụng) thì có thể nâng nước trở lại.
Khi thu hoạch lúa thì hạ nước để tôm xuống mương; thu hoạch lúa xong thì dâng nước cao để tôm lên ruộng ăn thức ăn, tôm sẽ lớn nhanh hơn.
Thu hoạch: Có thể thu tỉa tôm cái sau 5 – 6 tháng nuôi, kể từ ngày thả giống. Riêng với mô hình này thì có thể thu hoạch vào cuối vụ nuôi (cuối tháng 11) trước khi gieo cấy lúa đông xuân.
Năng suất mô hình này đạt 350 – 550 kg/ha.
Tags: nuoi tom cang xanh, mo hinh tom lua, nuoi tom