Nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm nói riêng trong Vụ Thu Đông và Vụ Đông đồng thời với một số thuân lợi, công việc nuôi trồng cũng sẽ gặp không ít các khó khăn như: vấn đề thời tiết (mùa mưa đang đến gần); sự biến động môi trường nuôi lớn do các chất thải tồn dư từ vụ nuôi trước, dịch bệnh…Để tiếp tục giành thắng lợi kế hoạch nuôi tôm năm 2011, trên cơ sở một số tài liệu của tổng cục thuỷ sản và tình tình thực tế chúng tôi khuyến các cơ sở/người nuôi tôm một số lưu ý kỹ thuật:
1. Đối với các vùng chuẩn bị nuôi
– Nên chọn nuôi ở các vùng cao triều, có khả năng tránh lũ cao; hệ thống bờ đê ao, đê bao đảm bảo chắc chắn; cống thoát nước chắc chắn, có khả năng thoát nước tầng mặt khi mưa lớn xẩy ra.
– Con giống: Lựa chọn con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng, kích cở đảm bảo từ Post12 trở lên (chiều dài > 10mm); chỉ nên nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei).
2. Đối với các vùng đang nuôi:
– Về một số yếu tố môi trường và biện pháp xử lý:
+ Độ pH: Trong ao nuôi tôm cần duy trì từ 7,5 – 8,5 và biến động ngày đêm không quá 0,5 đơn vị. Nguyên nhân làm cho pH biến động lớn là do độ kiềm thấp dưới 80mg/l, tảo phát triển quá nhiều, độ trong dưới 25cm.
Khi bón cho ao bằng bột đá vôi (CaCO3 ) cần bón từ 70 – 100kg/ha cho đến khi độ kiềm đạt trên 80mg/l, pH 7,5 – 8,5. Sau đó duy trì pH và độ kiềm cần bón vôi định kỳ 7 – 10 ngày 1lần. Ở vùng đất bị nhiễm phèn nặng để đề phòng pH xuống thấp cần rải vôi nung (CaO) trên bờ ao và tiếp tục rải vôi sau một trận mưa.
+ Độ mặn cho tôm nuôi phát triển tốt là 10 – 25%0 , biên độ giao động trong ngày không quá 5%0, Khi trời mưa to độ mặn của tầng nước mặt giảm nhanh, cần phải tháo nước tầng mặt để không gây ra biến thiên quá lớn. Ao lớn và độ sâu cao cũng sẽ giúp cho độ mặn ít biến động mỗi khi nắng nóng kéo dài hoặc mưa to.
+ Ô xy hoà tan: Ôxy trong ao nuôi tôm không được thấp hơn 4mg/l; Ôxy thấp hơn 3mg/l tôm sẽ ngừng ăn và tấp vào mé bờ; nếu không xử lý kịp thời tôm có thể chết. Ngoài việc tăng cường quạt nước và sục khí, có thể dùng ôxy già (H2O2); muốn tăng 1mgôxy/l, cần dùng 4ml H2O2 (loại 50%).
+ Độ kiềm: Độ kiềm trong ao nuôi tôm luôn phải giữ ổn định có hàm lượng cao hơn 80mg -CaCO3/l. Trong quá trình nuôi nhất là trong mùa mưa nên thường xuyên bón các loại vôi CaCO3 hoặc dolomit CaMg(CO3)2 theo chu kỳ 7 – 10ngày/lần, liều lượng 100 – 200kg/ha.
+ Độ trong: Độ trong thể hiện thực vật phù du phát triển trong nước ao nuôi tôm, độ trong nên duy trì trong khoảng 25 – 40cm. Độ trong thực vật phù du cải thiện tốt cho tôm, bởi vì chúng hạn chế được các chất lơ lửng, làm tầm nhìn của tôm tốt hơn, giảm mối nguy cho tôm.
+ H2S (hydrogen sulfite): H2S rất độc đối với tôm, nồng độ trên 0,02mg/l ảnh hưởng đến tôm; nhưng H2S chỉ xuất hiện khi pH dưới 7. Vì vậy cần duy trì pH nước ao nuôi ở mức trung tính.
+ NH3 (ammoniac): NH3 rất độc đối với tôm, khi nông độ 1mg/l có thể gây chết tôm, nồng độ trên 0,1mg/l ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm, do đó cần duy trì NH3 dưới 0,1mg/l bằng nhiều cách, nhưng có thể dùng một số hoá chất hấp thụ chúng như Toxin-clear, Thio-fresh và Zeolite vào những tháng cuối chu kỳ nuôi để hấp thụ bớt NH3.
+ Đáy ao đen, nước đục nhiều chất lơ lửng: Cuối chu kỳ nuôi đáy ao nuôi tôm tích tụ nhiều chất hữu cơ và H2S, trong nước có nhiều chất lơ lửng do tảo chết; có thể dùng chế phẩm Siol-pro hoặc tăng bón các chế phẩm vi sinh, Zeolite để hấp thu các chất lơ lửng và cặn bã trong ao.
– Về thức ăn:
+ Cần tăng cường kiểm tra kiểm soát và điều chỉnh hợp lý. Mỗi ngày cho tôm ăn 4-5 bữa vào các thời điểm: 6h, 10h, 14h, 18h, 22h; hoặc: 6h, 11h, 18h, 23h hoặc 7h, 11h, 15h, 19h.
+ Từ ngày 15 trở đi đặt nhá để luyện cho tôm quen ăn trong nhá. Từ tháng thứ 2 trở đi thì tiến hành đặt nhá để kiểm tra và điều chỉnh thức ăn (vị trí đặt nhá ở khoảng giữa các bờ ao và cách bờ 2m). Từ lúc này lượng thức ăn cũng như cỡ thức ăn cho tôm được điều chỉnh thông qua việc kiểm tra tôm trong nhá, thời gian kiểm tra nhà là sau khi cho ăn 1,5 -2 giờ; số lượng thức ăn bỏ vào nhá và cách điều chỉnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất thức ăn (ghi trên bao bì);
+ Không cho tôm ăn khi mưa gió lớn; ngưng sử dụng máy quạt nước trong suốt thời gian cho ăn đến lúc kiểm tra; ngưng hoặc giảm thức ăn trong lúc tôm lột xác.
Tags: ky thuat nuoi tom, nuoi trong thuy san, vu thu dong