Trái thanh long Bình Thuận ngày càng được nhiều nước trên thế giới biết đến. Hơn 20.000 hộ nông dân Bình Thuận quanh năm trông chờ vào khoản lợi nhuận từ cây thanh long. Chỉ trong khoảng thời gian hơn một năm, từ diện tích 7.009 ha (năm 2006), con số này đã đạt xấp xỉ 10.000 ha (đầu năm 2008).
Sản lượng cũng theo đó tăng lên, thế nhưng chỉ một bộ phận rất nhỏ nông dân quan tâm đến phẩm chất trái và tìm cách xuất sang những thị trường khó tính như châu Âu, còn đại bộ phận nông dân không quan tâm hoặc chưa hiểu rõ phương thức canh tác để có được trái thanh long an toàn.
Quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long theo hướng an toàn không khó, nhưng phải tốn công chăm sóc và đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Có 4 chỉ tiêu phân tích trái sau khi thu hoạch mà nông dân cần lưu ý là hàm lượng kim loại nặng, Nitrate, vi sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tùy thị trường nhập khẩu mà hàm lượng các chất này trong thanh long được yêu cầu khác nhau.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Thanh long Bình Thuận đã bị cảnh báo từ một số nước như Trung Quốc, Anh. Trước kia, thanh long được xem là một trong những cây trồng ít sâu bệnh, nhưng việc thâm canh không theo khuyến cáo đã dẫn đến gia tăng thành phần sâu bệnh, và một số bệnh dường như trở thành “mãn tính” như bệnh thán thư trên trái vào mùa mưa. Nhiều nông dân nghĩ rằng, trồng thanh long an toàn đồng nghĩa với không phun xịt bất cứ loại thuốc nào lên trái. Thực tế, với yêu cầu ở mức độ an toàn, nông dân vẫn được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT (không sử dụng thuốc đã quá hạn sử dụng), đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách). Có khá nhiều biện pháp giúp nông dân hạn chế sâu bệnh. Đơn cử như việc xử lý phân chuồng trước khi bón. Phân chuồng tươi là nơi trú ẩn của vô số sâu hại (bọ cánh cứng), nấm bệnh, tuyến trùng…Ủ hoai phân chuồng ít nhất 1 tháng sẽ loại bỏ được phần lớn sâu bệnh. Hạn chế phun xịt trực tiếp lên trái, đặt bẫy bả một số loài sâu, côn trùng gây hại như kiến, sên đất. Mặt khác, vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng sẽ hạn chế phần nào điều kiện phát sinh, phát triển côn trùng và bệnh gây hại cây. Như vậy thuốc bảo vệ thực vật chỉ được sử dụng khi thật cần thiết và nông dân phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật phải được ghi chép lại khu vực phun, ngày phun, tên người phun, tên thương mại của sản phẩm và thành phần hoạt chất của sản phẩm, tên thông thường của sâu bệnh hại hoặc cỏ dại được xử lý thuốc, nồng độ thuốc phun. Đây cũng là cơ sở để chứng minh thời gian cách ly an toàn từ khi phun thuốc tới khi thu hoạch.
Đối với chỉ tiêu kim loại nặng, một số kim loại quan trọng như Asen, chì, thủy ngân cần phải được phân tích từ mẫu đất, nước của khu đất trồng. Đặc biệt, vùng đất trồng thanh long phải cách khu công nghiệp, nghĩa trang và bệnh viện ít nhất 500 m. Chỉ tiêu vi sinh vật (E.Coli, Samonella) cũng được phân tích trong mẫu nước này.
Về dư lượng Nitrate, để tránh vượt mức dư lượng cho phép, nông dân phải cân đối lượng phân bón hóa học, sử dụng hợp lý và không lạm dụng phân đạm. Nếu lượng đạm dư thừa thì không chỉ có nguy cơ tồn dư Nitrate trong trái, mà cây trồng cũng mẫn cảm hơn với sâu bệnh khi thời tiết bất lợi.
Ngoài 4 chỉ tiêu phân tích trên, để đảm bảo cho quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long đạt tiêu chuẩn an toàn, nông dân cũng cần phải quan tâm đến yếu tố cơ sở vật chất như xây dựng nhà vệ sinh, có nơi ủ phân chuồng, nơi tiêu huỷ rác thải từ vườn… Trong khi thu hoạch không đặt trái trực tiếp trên đất để tránh nhiễm nấm bệnh.
Thiết nghĩ, bà con nông dân đã đến lúc phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và yêu cầu của thị trường tiêu thụ, không nên phát triển diện tích một cách tự phát.