1. Thực hiện tốt công tác cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi, chú ý:
– Loại bỏ bùn đáy ra khỏi ao nuôi và cho vào ao chứa bùn (có thể thực hiện cải tạo khô hoặc ướt tùy điều kiện thực tế).
– Ngâm rửa nền đáy ao.
– Kiểm tra pH đất đáy ao để tính toán lượng vôi bón vào ao, lượng vôi dùng phụ thuộc vào pH của đáy ao (theo quy trình kỹ thuật nuôi tôm).
– Lấy nước vào ao (qua lưới lọc) đạt 1 – 1,2 m và ngâm 3 – 4 ngày.
– Xả bỏ nước trong ao và phơi đáy ao lại 7 – 10 ngày trước khi lấy nước vào gây màu để chuẩn bị thả tôm.
2. Xử lý ao tôm bị bệnh chết để nuôi lại:
2.1. Đối với ao bị bệnh đốm trắng hoặc bệnh truyền nhiễm khác:
– Dùng Chlorine (70%) để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30 ppm, ít nhất sau 15 ngày mới xả nước vào ao chứa nước thải.
– Loại bỏ hết tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, sau đó tiến hành cải tạo ao.
– Trong quá trình phơi ao, dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao, như: Formol 100 ppm hoặc Chlorine 50 ppm, phun vào lúc trời mát. Có thể sử dụng lập lại 2 – 3 lần trong thời gian phơi ao.
– Thời gian cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng, sau đó có thể tiến hành thả nuôi trở lại.
2.2. Đối với ao bị bệnh gan, tụy (do nhiễm chất độc) hay chết do điều kiện môi trường bất lợi:
– Dùng hoá chất (như formol, BKC, Chlorine…) để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 – 3 ngày lặp lại 1 lần, trong thời gian ít nhất là 15 ngày mới rút nước và cho vào ao chứa chất thải.
– Loại bỏ hết tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, tiến hành cải tạo đáy ao và bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi Ca(OH)2 với liều 50 – 70 kg/1.000 m2, sau đó tiến hành phơi ao (khoảng 1 tháng).
Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý cần ngâm rửa đáy ao cho đến khi pH ổn định trước khi lấy nước vào ao.
* Lưu ý: Không sử dụng các hoá chất cấm, thuốc Bảo vệ thực vật trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước và nuôi.
3. Xử lý tốt nguồn nước cấp, nước thải:
Để nghề nuôi tôm được bền vững, ngoài ao nuôi cần có hệ thống ao chứa (trữ nước và chuẩn bị nước trước khi cấp cho ao nuôi) và ao xử lý chất thải (xử lý nước thải và chất thải của ao nuôi trước khi thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm).
3.1. Nguồn nước cấp:
Khi lấy nước cần kiểm tra chất lượng nguồn, tình hình dịch bệnh tôm ở những vùng lân cận… lấy nước vào thời điểm triều cường và con triều đạt đỉnh. Các bước thực hiện như sau:
– Lấy nước vào ao chứa qua vải lọc dày.
– Để 2 – 3 ngày, kết hợp quạt nước.
– Dùng Chlorin (70%) với lượng 30 kg/1.000 m3 nước, sử dụng vào lúc trời mát và pH nước nhỏ hơn 8 để sát trùng, diệt các sinh vật tạp.
– Ít nhất 48 giờ và kết hợp kiểm tra khi thấy hàm lượng Chlorin không còn tồn lưu trong nước thì có thể bơm cấp cho ao nuôi.
3.2. Nguồn nước thải:
Nước thải từ ao nuôi tôm phải đưa vào ao xử lý để xử lý trước khi thải ra môi trường, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Có thể thả cá rô phi, nuôi hàu hoặc trồng rong cỏ trong ao thay thế bởi hoá chất xử lý.
4. Chọn giống tốt:
Khi chọn tôm giống, cần chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, ở những trại sản xuất giống có uy tín, tôm đã qua kiểm dịch, tôm có màu đặc trưng của loài, râu và phụ bộ đầy đủ, không dị hình, ruột đầy thức ăn; tôm đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, có khả năng bơi ngược dòng và phản ứng nhanh với tác động bên ngoài. Nếu có điều kiện chọn giống sạch bệnh (SPF). Cỡ giống thả thích hợp đối với tôm thẻ chân trắng là từ PL12, chiều dài >10mm, nguồn gốc Hawaii; đối với tôm sú từ PL 15 trở lên và chiều dài > 12 mm.
Ngoài ra, tôm giống cần được kiểm tra lại một số loại bệnh nguy hiểm bằng cách thu mẫu và gửi xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
5. Tăng cường sức đề kháng của tôm qua công tác chăm sóc – quản lý ao nuôi:
5.1. Cho ăn + Chất bổ sung:
Chọn loại thức ăn tổng hợp chuyên dùng cho tôm, được sản xuất theo quy trình công nghiệp và trong thực tế đã được người nuôi sử dụng cho hiệu quả cao.
Cần nghiên cứu bảng cho tôm ăn của loại thức ăn được sử dụng. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thời tiết, sức khỏe tôm, kết quả kiểm tra đường ruột mà điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý như: Không cho tôm ăn khi trời nắng nóng hoặc mưa gió lớn, đảm bảo lượng oxy hoà tan > 3 mg/L trong suốt thời gian cho ăn, giảm cho ăn trong lúc tôm lột xác.
Có thể bổ sung các khoáng vi lượng, vitamin C, β-Glucan… nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
5.2. Quạt nước, sục khí:
Nhu cầu máy quạt nước, sụt khí cho ao nuôi phụ thuộc vào độ sâu và diện tích ao. Thời gian vận hành máy quạt nước, sục khí phụ thuộc vào thời gian nuôi, tôm càng lớn thời gian vận hành máy càng nhiều.
Những lúc màu nước ao xấu do chết tảo, những lúc tôm bị bệnh phải dùng thuốc hoặc hóa chất xử lý, phải mở máy liên tục (Sục khí vào ban ngày, quạt nước vào ban đêm) trừ những lúc cho tôm ăn (đối với quạt nước). Phải đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan tầng đáy > 3mg/L.
5.3. Quản lý các yếu tố môi trường:
Những sự thay đổi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi đều ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng bình thường của tôm, vì vậy trong quá trình nuôi cần phải:
– Theo dõi kết quả quan trắc môi trường (từ Phòng Nông nghiệp của huyện hoặc trang Web ngành Nông nghiệp, địa chỉ: ) khi có kế hoạch lấy nước vào ao.
– Duy trì các chỉ tiêu về chất lượng nước thật ổn định và nằm trong phạm vi thích hợp như: pH: 7.5 – 8.5; và biến động trong ngày đêm phải nhỏ hơn 0.5; độ kiềm > 80 ppm; DO tầng đáy > 3 mg/L; các khí độc như: NH3, H2S, NO2 không có hoặc nhỏ hơn 0.02 ppm…
– Để khống chế NH3, NO2 và H2S trong ao nuôi, có thể thực hiện các biện pháp: Mật độ thả giống vừa phải, không nên thả quá dày, quản lý tốt việc cho tôm ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học để bón xuống ao có tác dụng hấp thụ và phân giải các khí độc.
6. Thực hiện tốt công tác cách ly, phòng ngừa lây nhiễm:
– Hệ thống rào bao quanh phải đảm bảo kín, vật chủ trung gian mang mầm bệnh không xâm nhập được, ngăn ngừa gia súc, gia cầm vào ao nuôi…
– Người không phận sự không được phép xâm nhập ao nuôi.
– Cần vệ sinh, sát trùng người, vật ra vào ao nuôi, dụng cụ sử dụng phải riệng biệt từng ao nuôi và được vệ sinh, sát trùng sau khi sử dụng.
Tags: han che dich benh, tom bien nuoi, nuoi tom