Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Mối liên hệ giữa sức khỏe tôm và biến động quần thể phytoplankton trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh – Phần 2

Biến động số lượng tảo trong các ao tôm TCT ở hai vùng nuôi

Nhìn chung, số lượng tảo ở các ao tôm khảo sát thuộc vùng nuôi Sóc Trăng biến động rất lớn, dao động từ khoảng 31.111 – 27.710.667 cá thể/L.

Với mật độ trung bình 2.669.429 ± 6.778.397cá thể/L.

Trong đó, tảo lam là ngành có mật độ cao nhất 2.306.644 ± 6.347.535 cá thể/L chiếm tỉ lệ 86%, cho thấy sự ưu thế của ngành tảo này, tiếp theo là tảo khuê 278.637 ± 390.280 cá thể/L với tỉ lệ 10,43%.

Ba ngành tảo còn lại có mật độ không đáng kể chiếm tỉ lệ rất thấp từ 0,2-2% là tảo giáp với 59.031 ± 154.218 cá thể/L và tảo mắt (19.765 ± 81.492 cá thể/L), thấp nhất là tảo lục chỉ có 7.583 ± 22.071 cá thể/L.

Mặc dù, tảo khuê là ngành chiếm tỉ lệ cao nhất về thành phần loài nhưng về số lượng thì tảo lam lại là ngành tảo có mật độ cao nhất và gấp khoảng 8 lần tảo khuê, trong phần lớn các ao có hiện tượng nở hoa thì loài Phormidium curtum đều chiếm ưu thế.

Sự ưu thế của loài tảo lam này đã khống chế sự phát triển của các ngành tảo khác.

Biến động mật độ tảo giữa các ngành trong các ao TCT khoẻ và TCT bệnh vùng nuôi Sóc Trăng rất lớn khoảng từ 0-3.8 triệu cá thể/L và tảo lam vẫn là ngành có mật độ rất cao so với các ngành khác.

Cụ thể, mật độ tảo lam trong ao tôm bệnh (3.840.271 ± 8.845.359 cá thể/L) cao hơn ao tôm khoẻ khoảng 4 lần với 943.421 ± 2.771.170 cá thể/L, tảo khuê có mật độ cao thứ nhì với giá trị 306.486±380.941 cá thể/L ở ao tôm TCT khoẻ và 247.306±424.489 cá thể/L ở ao tôm bệnh.

Các ngành còn lại là tảo giáp, tảo mắt và tảo lục có mật thấp hơn nhiều so với 2 ngành kia chỉ từ 0-44.613 cá thể/L.

Trong số 5 ao tôm TCT bệnh khảo sát ở vùng nuôi tôm Sóc Trăng cho thấy có 3 ao bùng nổ tảo, tảo phát triển mạnh ở các ao nuôi này với mật độ biến động từ 2.368.533-27.710.667 cá thể/L trong đó tảo lam ưu thế chiếm tỉ lệ 85-99% với mật độ biến động từ 2.016.000-25.526.666 cá thể/L.

Đối với vùng nuôi Cà Mau mật độ tảo trung bình của ao tôm TCT có thấp hơn so với vùng nuôi ở Sóc Trăng (1.739.606 ± 543.337 cá thể/L).

So sánh mật độ tảo ở các ngành thì tảo lam vẫn có mật độ cao nhất (1.302.623 ± 3.093.544 cá thể/L) tiếp theo là tảo mắt với giá trị trung bình đạt 207.281 ± 713.087 cá thể/L.

Điều này cho thấy các ao tôm TCT vùng nuôi Cà Mau là các thuỷ vực giàu dinh dưỡng và có nồng độ muối thấp (5-11‰) nên ngoài nhóm tảo lam phát triển mạnh mật độ tảo mắt cũng thuận lợi gia tăng.

Trong khi đó, ở các ao tôm TCT vùng nuôi Sóc Trăng nồng độ muối cao hơn ở hầu hết các ao đạt giá trị từ 5-16‰, chỉ có 3 ao có nồng độ muối thấp 0-3‰, do vậy tảo lam ưu thế và tiếp theo là tảo khuê.

So sánh mật độ tảo giữa 2 nhóm ao tôm khỏe và bệnh cho thấy, mật độ tảo trung bình trong các ao tôm TCT bệnh (1.491.584 ± 695.635 cá thể/L) thấp hơn mật độ tảo trong ao tôm TCT khỏe (1.814.359 ± 350.929 cá thể/L) nhưng sự chênh lệch không nhiều, là do biến động lớn về mật độ tảo giữa các ao tôm bệnh trong vùng nuôi.

Tuy nhiên, khi xem xét số lượng từng ngành tảo cho thấy tảo lam ở ao tôm TCT lại có mật độ cao ở cả ao bệnh và ao khỏe, mật độ tảo khuê thấp hơn cũng ở cả 2 nhóm ao này, ngược lại tảo mắt chỉ có mật độ cao ở ao tôm bệnh.

Các ngành tảo lục và tảo giáp có mật độ không đáng kể trong cả 2 nhóm ao tôm khỏe và tôm bệnh.

Cụ thể, mật độ tảo lam trong ao tôm TCT bệnh là 1.596.931 ± 3.847.412 cá thể/L cao hơn so với mật độ 864.271 ± 2.276.302 cá thể/L trong ao tôm TCT khoẻ và tảo mắt ở ao tôm bệnh mật độ khá cao với 354.509 ± 933.563 cá thể/L còn ở ao tôm khỏe thì không có.

Thấp hơn là tảo khuê với mật độ 254.122 ± 181.221 cá thể/L ở ao tôm khoẻ và 209.184 ± 144.709 cá thể/L ở ao tôm bệnh.

Nhóm tảo lam phát triển mạnh trong các ao tôm TCT ở cả 2 vùng nuôi Sóc trăng và Cà Mau với nồng độ muối đạt đến 16‰ do đây là nhóm tảo rộng muối;

Theo Humn và Wick (1980) tảo lam có thể phát triển mạnh mẽ trong cả nước ngọt, lợ và mặn, tuy nhiên môi trường sống phổ biến của chúng là các hồ lớn và môi trường nước mặn.

Ngoài ra, mật độ cao của nhóm tảo lam còn cho thấy các ao nuôi tôm TCT giàu dinh dưỡng (Palmer, 1969).

Tương tự, các nghiên cứu khác cũng cho thấy tảo lam thích hợp phát triển ở các ao hồ giàu dinh dưỡng.

Sinh khối tảo lam thay đổi ở các ao hồ có mức độ dinh dưỡng khác nhau.

Ở các hồ nghèo dinh dưỡng, sinh khối của chúng chỉ đạt khoảng 1-10 μg chlorophyll-a/l, trong khi ở các ao hồ giàu dinh dưỡng chúng đạt giá trị 300 μg/l và có thể lên đến 3,000 μg/l ở các hồ rất giàu dinh dưỡng (Zohary and Roberts, 1990).

Theo nghiên cứu của Dương Thị Hoàng Oanh và ctv.(2012), cũng khảo sát mật độ tảo trong ao tôm TCT cho biết các ngành tảo có số lượng cá thể cao lần lượt là tảo mắt với mật độ tối đa đạt 1,5 triệu cá thể/L trong đó giống Euglena chiếm ưu thế;

Tảo lục mật độ đạt 1,2 triệu cá thể/L với giống Chlamydomonas chiếm ưu thế và cuối cùng là tảo lam với mật độ 844 ngàn cá thể/L với giống Phormidium ưu thế.

Như vậy, khảo sát hiện tại có mật độ tảo lam cao hơn khoảng 4,5 lần ở ao tôm bệnh so với ao tôm khỏe (trung bình cao hơn 100.000 cá thể/L), riêng số lượng tảo mắt và tảo lục thì thấp hơn hoàn toàn so với khảo sát trước.

Tảo khuê đạt số lượng cao thứ 2, cao hơn nhiều so với các ngành khác như tảo giáp, tảo mắt và tảo lục ở cả 2 nhóm ao tôm bệnh và tôm khoẻ trong vùng nuôi Sóc Trăng.

Nhưng khi so sánh giữa ao tôm khoẻ và ao bệnh thì tảo khuê ở ao khoẻ lại có mật độ cao hơn ao bệnh, song song đó là mật độ tảo mắt ở ao bệnh cao hơn ao khoẻ trong cả hai vùng nuôi.

Như vậy, mật độ các nhóm tảo lam, tảo mắt phát triển mạnh ở các nhóm ao bệnh so với các ao tôm khỏe điều này chứng tỏ chắc chắn môi trường trong các ao tôm bệnh là môi trường giàu dinh dưỡng hơn so với ao tôm khỏe.

Kết quả này cũng phù hợp với nhận định của nhiều tác giả cho rằng tảo lam là nhóm tảo phát triển mạnh trong các điều kiện cực đoan của các ao nước đục giàu dinh dưỡng và oxy kém (Sevrin-Reyssac and Pletikosic, 1990).

Mặt khác, kết quả này cũng phù hợp với nhận xét của Kummar et al.

(1974) cho biết tảo lam, tảo giáp và tảo mắt hầu như có mối liên quan mật thiết môi trường giàu chất hữu cơ và tảo lục thì luôn ưu thế trong môi trường giàu các hợp chất đạm.

Theo Barraza-Guzma´n (1994) nghiên cứu trên 2 ao tôm nuôi thâm canh ở miền Nam Sialoa tỉ lệ N/P biến động 3,6-6,8 thì tảo lam là nhóm tảo ưu thế với mật độ cao nhất đạt 3,5×106 tế bào/lít thấp hơn khoảng 8 lần so với nghiên cứu này.

Rhee (1978); Rhee and Gotham (1980 ) cho rằng tỉ lệ N: P (tỉ lệ đạm:lân) là một trong những yếu tố dinh dưỡng có thể điều chỉnh để kiểm soát sự phát triển của tảo lam vì nó ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các loại tảo và vi khuẩn lam.

Nếu tỉ lệ này thấp (N: P ≤ 5), phù hợp cho nhóm vi khuẩn lam cố định đạm, trong trường hợp tỉ lệ này cao thì tảo lục chiếm ưu thế.

Như vậy, trong nghiên cứu này, số lượng tảo lam ưu thế cao trong các ao tôm chứng tỏ tỉ lệ N/P thấp <5, điều đó cho thấy các ao tôm khảo sát giàu phospho.

Tóm lại, ở hai nhóm trong số 5 ao tôm TCT khỏe và tôm bệnh đều có sự khác biệt về thành phần và mật độ tảo.

Thành phần loài tảo ở ao tôm bệnh thấp hơn ao tôm khỏe.

Trong khi đó, mật độ tảo ở ao tôm bệnh lại cao hơn so với ao tôm khoẻ.

Điều này cho thấy tình trạng phú dưỡng hóa nhiều hơn ở ao tôm bệnh đã làm cho một số loài tảo ở nhóm ao bệnh phát triển ưu thế, chúng hạn chế sự phát triển của nhiều loài tảo khác nên số loài tảo ở ao tôm bệnh ít hơn so với ao tôm khỏe.

Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của các giống loài tảo ưu thế này cũng làm mật độ tảo ở các ao tôm bệnh cao hơn so với ao tôm khỏe, chủ yếu là các giống loài tảo ưa môi trường giàu dinh dưỡng bao gồm: Phormidium curtum, Oscillatoria formosa, O.limosa, Coelosphaerium kutzingianum (tảo lam), E.gracilis, E.klebsii (tảo mắt) và Nitzschia palea (tảo khuê).

Hơn nữa, ở các ao tôm bệnh, mật độ các ngành tảo giáp, tảo mắt, tảo lam đều cao hơn so với ao tôm khoẻ và cao nhất là tảo lam.

Sự phát triển mạnh mẽ của tảo lam cũng gây nhiều tác hại lên động vật thủy sản đặc biệt là tôm, cá.

Có thể có các ảnh hưởng khác nhau bao gồm: (i) tôm cá bị ô nhiễm trực tiếp bởi các chất tiết ra từ các tế bào tảo lam, (ii) bị nhiễm độc bởi vi khuẩn kết hợp với vi khuẩn lam, vì chúng sử dụng các chất đạm hoặc một số chất chuyển hóa tiết ra từ vi khuẩn, hoặc (iii) chết do oxy của nước giảm bởi sự phân hủy hoa nước của tảo lam.

Mặt khác, sau đợt nở hoa của tảo là sự gia tăng hàm lượng amoniac (NH3) có thể xảy ra cùng lúc với việc giảm mạnh oxy làm gia tăng mức độ độc đối với tôm cá.

Ngoài ra, một số tác giả còn cho rằng khi tảo nở hoa trong ao tôm có nhiều bất lợi, có thể gây hại đến sinh trưởng của tôm (Ming -Yuan and Jians-Heng, 1993; Cortes-Altami and Licea-Duran, 1999).

Trong ao, tảo nở hoa có thể gây bệnh đốm nâu cho tôm (Stirling and Day, 1990) hoặc gây thiếu oxy cục bộ vào ban đêm từ đó dẫn đến sự thiếu oxy trong máu làm tôm chết hàng loạt (Alonso-Rodriguez and Paez-Osuna, 2003).

Kết luận

Ở cả 2 vùng nuôi Sóc Trăng và Cà Mau các ao tôm đều giàu dinh dưỡng.

Thành phần loài tảo ở ao tôm bệnh thấp và ngược lại mật độ tảo lại cao hơn so với ao tôm khoẻ.

Mật độ tảo khuê ở ao tôm khoẻ cao nhiều so với ao tôm bệnh.

Trong khi đó, ở các ao tôm bệnh mật độ các ngành tảo giáp, tảo mắt, tảo lam đều cao hơn so với ao tôm khoẻ và cao nhất là tảo lam.

Sự phát triển mạnh mẽ của tảo lam trong ao tôm có nhiều bất lợi, có thể gây hại đến sinh trưởng của tôm.

Không có hiện tượng nở hoa của tảo độc ở các ao tôm trong suốt quá trình nghiên cứu.