Mô hình sáng tạo
Dựa vào các đặc điểm sinh học của sò huyết như: khả năng thích nghi với phạm vi biến đổi nồng độ muối rộng từ 10-35%o, thức ăn chỉ bao gồm mùn bã hữu cơ, tảo và vi sinh vật trong bùn, ưa sống ở vùng bùn cát, bằng phẳng, bề mặt mềm, mịn. Thực tế sản xuất cho thấy, sò huyết thích sống nhất ở nơi có chất đáy là bùn cát, thứ đến là bùn nhão, sống ít hoặc không sống tại nơi có chất đáy nhiều cát ít bùn.
Chính vì vậy, việc nuôi ghép sò huyết trong các vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến, công nghiệp hoặc nuôi trong ao lắng là sáng kiến bổ ích. Bởi, nuôi sò huyết – tôm sú sẽ cho tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích, thứ hai là từ các đặc điểm sinh học của sò huyết thì việc nuôi chúng trong vuông tôm sẽ góp phần cải thiện môi trường nước do chúng lọc tảo, xử lý mùn bã hữu cơ, vi sinh vật…
Ông Võ Hồng Ngoãn, “vua tôm sú” của tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2009, nhận thấy trong ao lắng nước tự nhiên của trang trại ông có sò huyết tự nhiên do trong quá trình lấy nước vô ao lắng đã mang theo ấu trùng sò huyết. Sò huyết trong ao lắng phát triển rất nhanh, thịt sò mập và khi nấu chín cho màu đỏ rất đẹp mắt, chất lượng thịt khi ăn ngon hơn sò huyết thương phẩm được mua ở chợ.
Chính vì vậy, năm 2010 ông bắt đầu mua giống sò huyết do người dân thu ở bãi biển Bạc Liêu về thả trong ao lắng của mình. Kích cỡ sò huyết giống theo ông khoảng bằng hạt đậu xanh. Ao lắng 2 ha được ông ngăn ra làm hai và thả khoảng gần 150 kg sò huyết giống, vào tháng 2. Sau khoảng 5 tháng nuôi ông bắt đầu cho thu tỉa, đến tháng 9/2010 ông thu toàn bộ được hơn 1 tấn sò với kích cỡ khoảng 30 con/kg. Giá bán 55.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi 50.000.000 đồng.
Kinh nghiệm nuôi
Theo ông Sáu Ngoãn, sò huyết rất dễ nuôi, không cần cho ăn, khâu chăm sóc cũng đơn giản, đặc biệt nuôi sò trong ao lắng nước còn có tác dụng duy trì chất lượng nước rất tốt và sò huyết lại rất nhanh lớn.
Tuy nhiên, do hiện tại nguồn sò huyết giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên nên khâu chọn mua giống cần phải lưu ý một số vấn đề: Sò huyết sinh sản vào khoảng tháng 8 đến tháng 12, thời vụ thả giống từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch là thích hợp nhất. Sò giống tốt thường có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn tạp.
Nên thả giống lúc sáng sớm, để sò có thời gian chui xuống bùn. Có thể dùng thuyền để rải giống đều khắp mặt vuông (hoặc ao lắng). Khi nuôi trong ao lắng hoặc vuông tôm quảng canh cải tiến thì lượng giống thả nuôi khoảng 2.000-3.000 con/m2 với cỡ giống 20-30 ngàn con/kg, cỡ 400 con/kg thả mật độ từ 500-700 con/m2; nếu nuôi ghép trong vuông tôm công nghiệp nên thả mật độ khoảng 40% so với trong ao lắng để tránh trường hợp sò huyết cạnh tranh ôxy với tôm vào buổi tối.
Trường hợp vận chuyển giống đi xa thì sau khi lấy giống có thể vận chuyển giống bằng phương pháp giữ ẩm. Thời gian vận chuyển có thể là 1-2 ngày tùy theo điều kiện thời tiết. Trong quá trình vận chuyển nên thường xuyên tưới nước biển giữ ẩm cho sò, đồng thời đề phòng trời mưa vì nước ngọt có thể làm chết sò.
Còn về chất đáy để nuôi sò huyết tốt nhất là bùn mềm pha lẫn cát mịn (90% bùn + 10% cát), mặt bùn bằng phẳng, có màu vàng nâu, độ dày lớp bùn khoảng 3-6 cm tuỳ thuộc vào kích cỡ của sò giống. Trường hợp nuôi trong ao lắng, định kỳ 15 ngày nên xử lý khoảng 15 kg vôi CaCO3/1.000m3 nước để cải thiện môi trường nước giúp sò nhanh lớn. Không nên nuôi sò huyết trong vuông có cua và cá đối vì sò huyết chính là món mồi ưa thích của chúng.
>> Mô hình tôm sú – sò huyết đã được người dân nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… thực hiện rất thành công. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình, đòi hỏi sự nỗ lực cùng những khuyến cáo hợp lý, kịp thời của ngành chức năng.
Tags: nuoi tom su, so huyet, nuoi trong thuy san