Tỉnh Hưng Yên hiện đang phát triển ngành chăn nuôi theo 2 hướng là nông hộ và trang trại, trong đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 70%. Thời gian qua, việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn VietGap đã giúp các hộ chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh…
Chị Phan Thị Thủy ở thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê (Khoái Châu) phun khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi
Thực hiện Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được 4 vùng GAHP (vùng chăn nuôi an toàn) với 49 nhóm và 1.000 hộ GAHP tại 7 xã là: Đình Dù (Văn Lâm); Tân Tiến, Mễ Sở (Văn Giang); Liên Khê, Đông Kết (Khoái Châu); Dị chế, Thụy Lôi (Tiên Lữ) với tổng số đàn lợn khoảng 30.000 con. Đến nay, trên 800 hộ chăn nuôi đã được cấp chứng nhận VietGap.
Thực hiện chăn nuôi theo quy trình VietGap, người chăn nuôi trong vùng dự án được trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức và từng bước phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học gắn với an toàn dịch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ khi tham gia dự án, các hộ đã áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGap đều không để xảy ra dịch.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua đánh giá các hộ chăn nuôi theo quy trình VietGap trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhờ áp dụng những biện pháp phòng chống dịch bệnh, số lợn ốm, chết giảm trên 20% so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Từ đó lợi nhuận cho người chăn nuôi được nâng lên trên 20% so với chăn nuôi truyền thống. Việc xây các hầm biogas xử lý chất thải đã giúp cải thiện môi trường chăn nuôi, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu dành cho đun nấu từ khí sinh học.
Chị Phan Thị Thủy, nhóm GAHP thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê (Khoái Châu) chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2009, đến năm 2011 thì tham gia vào nhóm GAHP. Trước đây, vào mỗi đợt giao mùa, dịch bệnh bùng phát, đàn lợn nhà tôi thường mắc các bệnh, nhìn mà bất lực. Từ khi được tham gia vào nhóm GAHP, được học và tập huấn quy trình chăn nuôi VietGap, thực hiện theo 29 tiêu chí chăn nuôi GAHP theo hướng nông hộ, 4 năm nay, lứa lợn nào nhà tôi cũng đều khỏe mạnh, xuất chuồng nhanh. Tôi không còn phải lo lắng mỗi đợt dịch bệnh bùng phát nữa”.
Sau khi tham gia dự án Lifsap, người chăn nuôi được đào tạo về quy trình thực hành chăn nuôi tốt, các hộ chăn nuôi, biết sử dụng các loại thuốc phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi khi mắc bệnh thông thường. Đặc biệt là ý thức của người chăn nuôi đã được nâng cao để cung cấp những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng…
Nhằm giám sát sự lưu hành của mầm bệnh trên đàn lợn và đánh giá mức độ bảo hộ của các chương trình tiêm phòng vắc xin tại hộ tham gia nhóm GAHP tại các vùng GAHP, đồng thời đánh giá kết quả chung trong việc triển khai áp dụng quy trình GAHP cho nông hộ, hàng năm, Ban quản lý Dự án Lifsap đã phối hợp với Chi cục Thú y lấy mẫu huyết thanh, điều tra dịch tễ. Kết quả cho thấy các hộ GAHP đã có quan tâm và ý thức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, tuân thủ theo quy trình thực hành chăn nuôi an toàn.
Chị Phạm Thị Linh, một trong những hộ chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP nông hộ tại thôn Dị Chế, xã Dị Chế (Tiên Lữ) cho biết: Hiện nay gia đình tôi chăn nuôi khoảng 130 con lợn thịt và 10 con lợn nái… Tuân thủ quy trình chăn nuôi VietGap giúp gia đình tôi kiểm soát được trên 80% dịch bệnh trên đàn lợn so với chăn nuôi truyền thống, tỷ lệ hao hụt lợn chỉ còn 1%, từ đó chi phí thuốc men giảm, đàn lợn phát triển tốt, lợi nhuận chăn nuôi tăng 20% so với trước đây”.