Mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học đã đem đến cho người chăn nuôi cái nhìn và cách làm mới trong chăn nuôi gà nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát như: trấu, mùn cưa, phoi bào, rơm, rạ….) trộn với một hệ vi sinh vật (men vi sinh) để phân hủy phân, nước tiểu giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm.
Phương thức chăn nuôi này hiện đang được khuyến khích phát triển, được coi là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi ở Việt Nam.
Chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học là giải pháp chăn nuôi gà an toàn, hiệu quả giúp gà lớn nhanh, phát triển khỏe mạnh, tiết kiệm chi phí chăn nuôi và có thành phẩm gà sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
1. Ưu điểm khi chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học
– Tăng chất lượng đàn gà: chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học giúp gà khỏe mạnh và đồng đều nhau hơn, tỷ lệ gà sống có thể lên đến 98%.
– Tăng chất lượng sản phẩm: đệm lót sinh học giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, thịt gà khi xuất chuồng cũng thơm ngon, hình thức đẹp và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Việc phân giải phân, làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi ngay cả gần các khu dân cư.
– Đệm lót sinh học giúp tiết kiệm 10% thức ăn, vì:
+ Vật nuôi không bị stress từ môi trường và hoạt động tự do.
+ Vật nuôi thu nhận được một số chất từ nền đệm lót do sự lên men phân giải phân, vỏ trấu, thức ăn rơi vãi.
+ Khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của vật nuôi tốt hơn do vật nuôi tiếp nhận được một số vi sinh vật có lợi.
– Hạn chế ruồi, muỗi (vì không có nước để muỗi sinh sản, không có phân để ruồi đẻ trứng). Các mầm bệnh – nguyên nhân lây lan dịch bệnh bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất. Vì vậy giảm nhân công thú y và chi phí thuốc thú y.
– Không chỉ giúp người chăn nuôi tiết kiệm công sức lao động mà còn có thể tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi cũ.
2. Những hạn chế khi chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học
Khi sử dụng phương pháp chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cũng có nhiều hạn chế nhất định.
– Hạn chế đầu tiên chính là nền đệm lót sinh học thường luôn sinh nhiệt, điều này khiến cho nền chuồng thường rất nóng, nếu như chăn nuôi gà trong mùa lạnh thì là ưu điểm tuyệt đối cho chăn nuôi giúp đàn gà sưởi ấm tốt hơn, tuy nhiên nếu nuôi gà trong mùa hè thì cần có những hệ thống chống nóng tốt, đảm bảo lưu thông không khí, trong chuồng nuôi luôn được thông thoáng cho đàn gà như quạt điện hay quạt hút, hệ thống phun sương trên mái chuồng, hệ thống dàn mát. Chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học nếu như không có hệ thống chống nóng ổn định thì đàn gà sẽ lớn chậm hơn rất nhiều, nhất là trong giai đoạn vỗ béo cho gà.Vì vậy nuôi với mật độ thích hợp và đảm bảo độ thông thoáng qua cách dựng chuồng nuôi vẫn là chủ yếu và rất quan trọng.
– Mặt khác, điều kiện môi trường đệm lót thuận lợi để men phân hủy phân phát triển thì cũng là môi trường thuận lợi để các loại vi sinh vật khác xâm nhập (từ không khí, đất, nước và bản thân vật nuôi thải ra). Và thời gian sử dụng đệm lót càng lâu thì các vi sinh vật này tồn tại càng nhiều như những ổ mầm bệnh trong chuồng nuôi.
– Đệm lót sinh học chỉ thích hợp ở một số vùng, khu vực không bị ảnh hưởng của nước ngầm, lũ lụt. Khi làm đệm lót sinh học cần tìm hiểu mực nước ngầm và khả năng lũ ngập; ở những vùng có mực nước ngầm cao hoặc vùng đất trũng dễ ngập nước, bắt buộc phải làm nền cao. Nếu lớp đệm lót làm âm xuống dưới mặt đất từ 40-60cm, chắc chắn nước sẽ tràn vào gây chết men và đệm lót hoàn toàn không sử dụng được.
– Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi phải bảo dưỡng, đảo xới tơi đệm lót để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân sẽ được phân hủy nhanh hơn. Đây là một công việc nặng nhọc cần nghiên cứu và thử nghiệm máy cầm tay để xới, đảo đệm lót khi áp dụng ở quy mô chăn nuôi trang trại.
Tuy nhiên những hạn chế này nếu người chăn nuôi nắm bắt được, tìm hiểu kỹ cách áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, chăn nuôi đúng kỹ thuật đều có thể khắc phục và áp dụng công nghệ này.
3. Phân tích mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học
Chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học có thể giúp người chăn nuôi giảm thiểu chi phí trong quá trình chăn nuôi, giảm nguồn nhân công lao động, lại là phương pháp chăn nuôi có thể phát triển bền vững, duy trì được hình thức chăn nuôi trong khu dân cư mà vẫn đảm bảo rất thân thiện với môi trường
Tỷ lệ gà sống khi chăn nuôi gà theo phương pháp này cũng rất cao, trong đó chi phí thức ăn giảm tới 10% mà tốc độ tăng trưởng của đàn gà lại lên tới 7% so với những phương thức chăn nuôi thông thường.
Sử dụng phương pháp chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học còn giúp đàn gà phát triển tốt, khối lượng xuất chuồng tốt, trong quá trình chăn nuôi cũng không xuất hiện những căn bệnh gia cầm nguy hiểm và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp chăn nuôi thông thường, vì thế lợi nhuận cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống từ 30% đến 35%. Đây mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường.