Mặc dù ngành Điện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, nhưng do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt khi sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn xảy ra. Để giảm thiểu những tai nạn nói trên, người dân cần nắm bắt những yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sử dụng điện để nuôi tôm an toàn.
Ảnh minh họa
Những năm gần đây, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển khá mạnh đặc biệt là nghề nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh kéo theo nhu cầu về sử dụng điện năng rất lớn. Tuy nhiên, do đặc thù của khu vực có hệ sông ngòi dày đặc, địa bàn rộng và nguồn lực đầu tư cho hệ thống điện còn hạn chế đã ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm đặc biệt là các vùng nuôi tôm xa trung tâm. Trong khi đó, để có điện phục vụ cho nuôi tôm người dân đã tự ý kéo dây điện từ trạm hạ thế hoặc từ đồng hồ điện trong nhà đến các ao nuôi tôm rất dài nhưng người dân không sử dụng các cột xi măng, cột gỗ chắc chắn để làm trụ đỡ mà chỉ sử dụng những cây gỗ tạp hoặc treo móc trên cây xanh. Trong khi đó, dây điện được mắc trực tiếp vào trụ đỡ mà không có sứ cách điện, nhiều nơi dây điện được treo lòng thòng trên đầu người, thậm chí còn rải dây điện trên mặt đất theo bờ ao tôm.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng điện bằng một dây (dây nóng), còn dây nguội được dẫn xuống đất để tiết kiệm chi phí dây điện. Dây điện không được kiểm tra, thay thế định kỳ mà để bong tróc, có nơi chỉ còn lõi dây đồng. Ngoài ra, đa số các hộ nuôi tôm khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố chạm vỏ xảy ra. Sử dụng mô-tơ kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn; mô-tơ điện trong quá trình sử dụng không được bảo quản tốt, che chắn không kỹ, vị trí đặt ở nơi ẩm thấp rất dễ dẫn đến hư hỏng, chạm chập, rò điện. Hơn nữa, việc lắp đặt cầu dao ngắt điện ở nơi quá xa, khiến cho việc xử lý khi có tai nạn xảy ra sẽ không kịp thời.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì tai nạn lao động do sử dụng điện trong nuôi tôm ngày càng tăng, nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra. Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan của người dân và trang bị kiến thức về an toàn điện không được người dân quan tâm.
Để bảo đảm an toàn và tránh những trường hợp tại nạn thương tâm xảy ra trong sử dụng điện nói chung và sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp nói riêng, người dân cần tuân thủ một số quy tắc dưới đây để áp dụng.
Một số quy tắc sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp
Thứ nhất, đường dây sau công tơ phải dùng dây bọc cách điện. Tiết diện dây phải từ 3mm2 trở lên. Trường hợp đường dây dài trên 50m, tiết diện dây không được nhỏ hơn 4mm2 đối với dây nhiều sợi, không nhỏ hơn 7mm2 đối với dây một sợi. Phải kéo đủ 2 dây nóng và nguội có cùng tiết diện. Không kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao hoặc rải trên bờ bao.
Thứ hai, khi nối dây dẫn phải dùng ống nối, đúng kỹ thuật đối với từng loại dây. Không được nối dây dẫn ở chỗ võng nhất của khoảng cột vì sẽ tích tụ nước tại mối nối. Khi nối dây dẫn điện phải nối so le và quấn một lớp nylon chống nước trước, sau đó băng kín bằng băng keo điện. Phương pháp quấn chồng mí theo hướng từ thấp lên cao, tránh động nước trên mối nối.
Thứ ba, cột đỡ dây điện có thể làm bằng thép, bê-tông cốt thép, gỗ. Trên cột phải lắp sứ đỡ dây điện, độ võng thấp nhất của dây dẫn cách mặt đất từ 2,5m trở lên nhằm tránh người đi dưới đường dây có thể chạm vào. Lắp đặt đường dây, thiết bị cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán trại qua 1 cầu dao tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao mà phân ra các cầu dao nhánh.
Thứ tư, các thiết bị điện sau khi lắp đều phải để nơi khô ráo, trong nhà, chòi hoặc trong hộp nhựa (nếu để ngoài trời), tránh mưa gió làm ẩm nước. Các thiết bị đóng cắt điện phải bố trí hợp lý để thuận tiện cho thao tác, cô lập. Không nên kéo điện, dùng điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống bờ ao nuôi.