Về một số loại bệnh trên tôm có tác nhân từ ký sinh trùng phải kể đến như: bệnh do vi bào tử trùng (hepatopancreatic microsporidiosis – HPM), bệnh ký sinh trùng gan tụy (HPH – hepatopancreatic haplosporidiosis), bệnh do ký sinh trùng vermiform (ATM – aggregated transformed microvilli); ký sinh trùng Gregarines.
Nhiều bệnh trên tôm có tác nhân từ ký sinh trùng
Bệnh do vi bào tử trùng (HPM)
Tác nhân gây bệnh do vi bào tử trùng được xác định là do ký sinh trùng có tên là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Bệnh HPM được báo cáo đầu tiên trên tôm sú nuôi ở Thái Lan năm 2004. Một nghiên cứu thống kê vào năm 2004 cho thấy bệnh HPM không có liên quan đến sự chậm tăng trưởng trên tôm.
Hiện tại, vật chủ trung gian lan truyền bệnh vi bào tử trùng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Kết quả phân tích PCR trên một số đối tượng làm thức ăn cho tôm ở các giai đoạn khác nhau như giun nhiều tơ, các loài hai mãnh vỏ hay Artemia đều phát hiện EHP nhưng không thể khẳng định chúng là vật chủ trung gian lan truyền bệnh hay do chúng bị nhiễm EHP. EHP cũng được xác định là có khả năng lan truyền trực tiếp từ tôm bệnh sang tôm khỏe do ăn nhau.
EHP có thể được phát hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm phân tử như PCR và LAMP từ phân của tôm bố mẹ. Phương pháp này cũng có thể được dùng để xét nghiệm tôm giống hay tôm nuôi thương phẩm. Mầm bệnh này cũng có thể được phát hiện bằng kính hiển vi quang học với độ phóng đại 100X với mẫu nhuộm hoặc mẫu tươi gan tụy; tuy nhiên, bào tử của nó rất nhỏ (kích thước nhỏ hơn 1 micron chiều dài) nên chỉ có thể quan sát được rất ít mặc dù mẫu bị nhiễm với cường độ nặng.
Bệnh ký sinh trùng gan tụy (HPH)
Bệnh ký sinh trùng gan tụy haplosporidian bùng phát mạnh trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở Indonesia vào khoảng năm 2007 đến 2009. Phân tích mô bệnh học cho thấy tác nhân gây bệnh giống với một loài ký sinh trùng chưa được đặt tên gây bệnh trên tôm được báo cáo trước đây ở Trung Mỹ vào năm 1988. Các kết quả phân tích trình tự gen cho thấy loài ký sinh trùng này tương đồng tới 96% với trình tự gen của loài ký sinh trùng được báo cáo ở Trung Mỹ trước đây. Dựa trên trình tự gen của loài ký sinh trùng này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế được cặp mồi cho phản ứng PCR phát hiện được đồng thời ký sinh trùng phát hiện ở Trung Mỹ và ở Indonesia.
Kể từ năm 2010, bệnh do loài ký sinh trùng này không còn được báo cáo trên tôm nuôi ở Indonesia. Cũng giống như EHP, bệnh HPH không nằm trong danh sách các loại bệnh được liệt kê bởi Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và cũng không nằm trong danh sách các bệnh cần kiểm soát khi sản xuất tôm giống phi bệnh tật SPF của các trại sản xuất giống. Lời khuyên đối với các nước nhập khẩu tôm giống, tôm bố mẹ hay tôm sống là cần tiến hành phân tích mẫu tôm để loại bỏ và tránh sự lây lan của mầm bệnh này trên tôm nuôi ở địa phương.
Bệnh do ký sinh trùng vermiform (ATM)
Cùng với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND), tỷ lệ tôm nhiễm ký sinh trùng có hình dạng gần giống với trùng hai tế bào gregarine có tên là vermiform (hình dạng giống với giun) ngày càng gia tăng ở các nước nuôi tôm thuộc khu vực châu Á.
Loài ký sinh trùng này thường được tìm thấy trong gạn tụy (HP) và ruột của tôm nhiễm bệnh. Khi tôm nhiễm với cường độ cao sẽ dẫn đến việc hình thành một chuỗi phân có màu trắng thải ra môi trường và hiện tượng này được gọi là hội chứng phân trắng (WFS). Mẫu nhuộm tươi mô gan tụy tôm quan sát dưới kính hiển vi quang học (LM) cho thấy cơ thể vermiform gần như là trong suốt với chiều rộng và đường kính tỷ lệ thuận với tế bào ống lượn của mô gan tụy. Điều đặc biệt là vermiform không có cấu trúc tế bào. Khi soi dưới kính hiển vi quang học với độ phóng đại cao (40-100X), có thể quan sát thấy vermiform bao gồm một lớp màng dày và có nhiều nếp gấp phức tạp, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp màng mỏng. Khi tôm nhiễm ký sinh trùng vermiform với cường độ cao, chúng làm cho tôm chậm lớn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh cơ hội như nhóm vi khuẩn Vibrio. Ngoài ra, mối quan hệ (nếu có) giữa nhiễm ký sinh trùng vermiform và bệnh gan tụy cấp tính trên tôm EMS/AHPND cũng cần được nghiên cứu xác định.
Bệnh do Gregarines
Gregarines là do nguyên sinh động vật (protozoa) ký sinh trong ống tiêu hóa và mô của nhiều loại động vật không xương sống khác nhau. Chúng ký sinh trong ống tiêu hóa của tôm và thường ở dạng trophozoite (giai đoạn trưởng thành của bào tử động) hoặc ở dạng kén (gametocyst); vòng đời sống của ký sinh trùng này cần phải trải qua quá trình ký sinh trên ốc và các loại nhuyễn thể hai mảnh vở.
Gregarines ở dạng trophozoite bám trên niêm mạc ruột làm tắc nghẽn sự hấp thu dinh dưỡng của tôm. Gregarines thường cư trú trong ruột của tôm nuôi và tôm ngoài tự nhiên. Gregarines chia làm 2 loại lớn và nhỏ. Loại lớn chia làm 2 nhóm: nhóm dạng hình trụ và nhóm dạng hình quả bầu. Hầu hết Gregarines có cơ thể phân làm 2 – 3 đốt, mỗi đốt có 1 nhân riêng. Đối cuối cùng có giác hút giúp chúng có thể bám vào thành dạ dày và ruột của tôm. Tôm thường nhiễm bệnh ở giai đoạn 1,5 – 1,7 cm hoặc 9,8 – 10,2 cm và phổ biến nhất là trong khoảng 2,5 – 5,5 cm; tôm sú trên 10,5 cm ít bị nhiễm Gregarines. Tuy nhiên, qua thống kê và khảo sát mô bệnh học của tôm bị bệnh cho thấy, tôm nhiễm Gregarines không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ trăng trưởng của tôm.
Phòng ngừa: Gregarines có vật chủ trung gian là nhuyễn thể (như ốc, hến, trai…) để hoàn tất vọng đời của chúng; theo đó, cần loại bỏ những vật trung gian này ra khỏi ao nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh.