Trên thị trường hiện xuất hiện không ít giống bắp ngọt bị bệnh sọc lá phải nhổ bỏ gây thiệt hại lớn cho nông dân, ông Joost Elzakker, Tổng Giám đốc Công ty East-West Seed (Hai mũi tên đỏ), một doanh nghiệp có uy tín sản xuất các loại hạt giống rau quả đã giải thích rõ hơn vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết nguồn gốc, quá trình lai tạo giống lai F1 Golden Cob – giống bắp ngọt (bắp đường) đang được nông dân vùng ĐBSCL đánh giá cao?
Ông Joost Elzakker: Giống bắp ngọt Golden Cob của Cty East-West Seed được lai tạo và phát triển tại Thái Lan. Chúng tôi bắt đầu triển khai các thí nghiệm đánh giá giống tại Việt Nam từ năm 2010. Qua các vụ khảo nghiệm, giống Golden Cob đã được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử năm 2012 và công nhận chính thức vào danh mục giống Quốc gia năm 2016.
Như vậy Golden Cob đã qua quá trình “thử lửa” trong 5 năm để đến được với nông dân. Thực tế cho thấy đây là giống được thương lái đánh giá có chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp cho cả ăn tươi và chế biến, cả người nông dân và người tiêu dùng đều thích. Có thể nói giống bắp ngọt Golden CobH đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường bằng năng suất cao, chất lượng tốt cũng như cách thức chuyển giao công nghệ trên cả nước.
PV: Còn bắp nếp thì sao, thưa ông?
Ông Joost Elzakker: Ở Việt Nam bắp nếp là cây truyền thống, người dân ăn bắp nếp như một loại thực phẩm quen thuộc nên diện tích trồng cũng như sản lượng rất lớn.
Chúng tôi có bề dày trong phát triển các giống bắp nếp và bắp ngọt trên thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ nhiều năm qua, đã khẳng định vị thế số 1 về cung ứng các giống bắp thương phẩm chất lượng cao. Đồng thời đưa vào thị trường nhiều giống bắp có năng suất, chất lượng cao như Tím Dẻo 926, Tím Ngọt 099, HMT55, SD268… mang lại giá trị cao cho nông dân, luôn vượt trội so với các giống khác trên thị trường. Trong đó, giống Tím Ngọt 099 vừa dẻo vừa ngọt, chứa hàm lượng lớn anthocyanin giúp ngăn ngừa ung thư.
PV: Theo ghi nhận, trên thị trường có không ít giống bắp ngọt bán cho nông dân bị bệnh sọc lá phải nhổ bỏ gây thiệt hại rất lớn, ông có thể cho biết tại sao?
Ông Joost Elzakker: Đây là một trong những loại bệnh nguy hiểm được phát sinh từ loại nấm có tên khoa học là Sclerospora maydis (hoặc Peronosclerospora sorghi), phát triển rất mạnh trên cây bắp nói chung và cây bắp ngọt nói riêng ở thời vụ giao mùa (giữa mùa nắng sang mùa mưa). Bệnh bắt đầu gây hại từ giai đoạn sau gieo khoảng 10 – 15 ngày đến giai đoạn trước trỗ cờ, phun râu, làm cây hạn chế quang hợp, chậm sinh trưởng, phát triển và dẫn đến thất thu.
Để phòng ngừa bệnh này, chúng ta có thể lựa chọn bằng cách sử giống kháng bệnh, trong đó có Golden Cob chống chịu bệnh sọc lá tốt hơn so với các giống khác hoặc áp dụng quy trình phòng ngừa bệnh sọc lá ngay từ giai đoạn đầu sinh trưởng như xử lý hạt giống, phun thuốc BVTV theo quy trình khuyến cáo.
PV: Nhiều nông dân trồng bắp lai làm thức ăn chăn nuôi không có lãi nhiều nên chuyển qua trồng bắp ngọt, bắp nếp, ông có khuyến cáo gì?
Ông Joot Elzakker: Các loại bắp thực phẩm như bắp ngọt, bắp nếp đang cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với bắp chăn nuôi, thời gian thu hoạch lại nhanh, tiết kiệm được chi phí và rủi ro trong sản xuất.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi nên chỉ dừng lại trong giới hạn và cần có quy hoạch, nếu không thì cung sẽ vượt cầu, bắp lai sẽ không tiêu thụ được gây thiệt hại cho nông dân. Lưu ý cây bắp thực phẩm có sức chống chịu kém hơn các giống bắp chăn nuôi, do đó khi chuyển đổi cần chú ý các điều kiện “cần và đủ” để xác định vùng nào có thể chuyển đổi cho năng suất cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!