Đối với tôm, cá
Cấp nước đầy đủ với mực nước cao để tránh nắng cho vật nuôi. Sử dụng quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt trong ao nuôi làm cho cá, tôm dễ bị sốc và mắc bệnh. Khi thay nước cần thực hiện nguyên tắc thay nước vào buổi chiều, cấp nước vào buổi tối.
Cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố trong ao nuôi tôm, cá, đặc biệt là độ mặn, pH, các khí độc… khi nhiệt độ tăng cao trong thời gian dài bằng cách sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học.
Những lồng bè nuôi cá (nước ngọt, mặn) cần di chuyển lồng nuôi xuống vị trí sâu hơn để giảm sự tác động của nhiệt độ. Mùa hè cũng là mùa tảo nở hoa gây ra hiện tượng thủy triều đỏ, vì vậy cần theo dõi chặt chẽ yếu tố này để tránh bị thiệt hại.
Mặt khác, mùa nóng nắng là thời điểm thích hợp cho một số loại nấm, ký sinh trùng… phát triển mạnh, nên cần treo túi vôi, hóa chất quanh chỗ cho ăn hoặc đầu dòng chảy để phòng bệnh.
Ngoài ra, cần bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho tôm, cá. Điều chỉnh thời gian cho ăn phù hợp để vật nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất.
Chủ động nguồn nước ngọt để hạ độ mặn khi độ mặn tăng cao do nắng nóng kéo dài, đảm bảo sự phát triển bình thường của vật nuôi.
Đối với nhuyễn thể
Nếu bãi nuôi ngao bị phơi nắng từ 5-8 giờ/ngày thì sau giờ thứ 4 trở đi phải phun nước làm mát liên tục và che nắng, tránh để ngao chết do nhiệt độ cao. Di chuyển vùng nuôi ngao xuống vùng hạ triều để tránh bãi ngao bị phơi nắng trong thời gian dài.
Đối với những vùng nuôi ngao khi gặp hiện tượng thủy triều đỏ, phải cào ngao xuống khu vực sâu hơn, phun nước, khua mạnh để ngao không ăn, tránh cho ngao bị nhiễm độc từ tảo.
Với tu hài, hàu cần hạ thấp lồng, dây nuôi hoặc di chuyển bè nuôi đến vị trí có nước sâu hơn. Chủ động san thưa khi mật độ dày, tập trung thu hoạch khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đặc biệt, không nên xuống giống vào thời điểm nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài.
Tags: nuoi thuy san mua nang nong, nuoi trong thuy san