Cải tạo ao
Sên vét bùn đáy ao một cách triệt để, bùn đáy ao phải được bơm vào ao chứa bùn, tuyệt đối không bơm bùn ra kênh rạch tự nhiên, gia cố bờ ao, cống ao đảm bảo không để ao bị rò rỉ; phơi đáy ao nuôi thời gian tối thiểu là 15 ngày.
Rào lưới xung quanh ao lắng, ao nuôi để ngăn địch hại, tiến hành tiêu diệt hết các vật chủ trung gian có trong ao nuôi, ao lắng như: cá, cua, còng… Tuyệt đối không sử dụng thuốc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt giáp xác có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin để diệt tạp trong quá trình cải tạo ao nuôi.
Tiến hành rửa và ngâm đáy ao bằng vôi đá (CaO), sau đó lấy nước vào ao rửa 2 đến 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) với liều lượng tùy thuộc vào pH đất ao, sau đó tiếp tục phơi ao từ 5 đến 7 ngày.
Đối với những ao nuôi tôm vụ trước bị bệnh: Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi như ao thu hoạch bình thường, nhưng đặc biệt chú ý vớt sạch xác tôm chết và đem chôn tại nơi an toàn; bơm hết lớp bùn đáy ao vào ao chứa bùn; rửa ao nhiều lần, phơi đáy ao ít nhất một tháng (nếu dùng máy bơm phun rửa ao thì hiệu quả sẽ cao hơn).
Lấy và xử lý nước
Nước lấy vào ao lắng phải qua túi lọc, nên lấy nước vào các ngày nước triều cường lớn nhất hàng tháng. Để lắng ít nhất 7-10 ngày trước khi cấp qua ao nuôi. Nước cấp từ ao lắng sang ao nuôi phải qua túi lọc, khi cấp nước vào ao nuôi đạt độ sâu 1,2-1,5 m, tiến hành chạy quạt kích thích trứng các loài giáp xác nở và để lắng ít nhất 3 đến 5 ngày mới tiến hành xử lý.
Chọn và thả giống
Nên chọn tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, những trại sản xuất giống có uy tín và được kiểm dịch; thả giống có kích thước lớn: tôm thẻ-kích cỡ từ Postlarvae 12 trở lên, tôm sú – kích cỡ từ Postlarvae 15 trở lên; mật độ thả nuôi: tôm thẻ: 60-80 con/m2, tôm sú 20-25 con/m2 tùy theo điều kiện đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi.
Sau khi chọn tôm giống bằng phương pháp cảm quan để xác định tôm giống khỏe mạnh, người nuôi nên đem tôm giống kiểm tra bằng phương pháp PCR để xác định tôm không bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Tuyệt đối không bắt tôm giống không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch.
Trước khi thả giống vào ao nuôi, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi cho thích hợp như độ kiềm lớn hơn 80 mg/l; pH lớn hơn 7,5… thì mới tiến hành thả giống, thời gian thả giống thích hợp nhất là lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh gây sốc.
Lưu ý: Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm chết bất thường phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly, tuyệt đối không xả thải ra kênh rạch và cần khai báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn cách ly.
Tags: chuan bi ao nuoi, tha giong tom bien, nuoi trong thuy san