Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Luân canh lúa tôm càng xanh

2 năm lãi 1,2 tỷ

Sau khi thu hoạch thành công vụ lúa đông xuân 2009-2010 theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, ông Lê Thành Công tiến hành cải tạo mặt ruộng, lên bờ bao lửng và làm vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột rồi mua cọc tràm, lưới cước thiết kế vuông nuôi tôm trên ruộng đang bị nước lũ ngập tràn.

Tiếp đó, ông xử lý nước trong vuông nuôi thật kỹ, cho đến khi độ pH trong vuông nuôi thích hợp và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… Sau đó, ông thả tôm càng xanh giống vào ao ương nuôi. Gần 1 tháng sau khi ương, ông Công cho thả toàn bộ đàn tôm ra tất cả diện tích vuông nuôi.

Nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp chuyên dùng có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm và độ bền của thức ăn trong nước ít nhất là 2 giờ (theo tiêu chuẩn ngành). Trong quá trình nuôi, ông Công còn bổ sung thêm khoáng, vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, theo dõi chu kỳ lột xác của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm nền đáy…

Nhờ chăm sóc đàn tôm nuôi chu đáo, sau hơn 7 tháng nuôi, ông thu hoạch được 8,4 tấn tôm càng xanh thương phẩm, bán giá bình quân 140.000 đồng/kg, thu 1,176 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 216 triệu đồng. Niên vụ nuôi tôm càng xanh năm 2011, ông Công thu hoạch 6 ha đạt trên 10 tấn tôm càng xanh thương phẩm, giá bình quân 190.000 đồng/kg, thu gần 2 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Công còn lãi gần 800 triệu đồng.

Với 6 ha canh tác lúa vụ đông xuân 2009-2010, ông Công thu hoạch tổng sản lượng 36 tấn lúa, bán giá bình quân 5.000 đồng/kg, thu 180 triệu đồng và vụ đông xuân 2010-2011, thu hoạch tổng sản lượng 33 tấn, bán giá 5.300 đồng/kg, thu 175 triệu đồng. Tính chung, mô hình luân canh lúa – tôm càng xanh trong 2 năm qua, ông Lê Thành Công thực lãi trên 1,2 tỷ đồng.

Lợi nhuận cao và bền vững

Ông Công vui vẻ bày tỏ: “Qua 2 năm luân canh lúa – tôm thành công, tôi thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ giúp cải tạo tốt môi trường ruộng nuôi. Lúa sẽ hấp thu chất mùn bã hữu cơ, thức ăn thừa và chất thải của tôm từ vụ nuôi để lại…

Từ đó, hạn chế sử dụng phân bón cho lúa. Còn sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ phân hủy sẽ giúp cho hệ thống phiêu sinh vật phát triển tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng tự nhiên cho tôm, làm tăng độ phì cho đất, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, góp phần cách ly, hạn chế phát triển của các loài virus, vi khuẩn và làm giảm lưu chuyển mầm bệnh gây chết tôm, cắt giảm mầm bệnh, sâu rầy hại lúa… Tuy chi phí đầu tư cao, nhưng khi thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành thì mô hình luân canh lúa – tôm sẽ cho lợi nhuận cao và bền vững”.

Tags: luan canh lua tom, nuoi tom cang xanh, nuoi tom