Mô hình nuôi tôm hùm lồng của ông Trần Ngọc Trung ở xã ven biển Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã mang lại những kết quả khả quan. Ông Trung kể: Tôi chỉ mới nuôi tôm hùm bông từ tháng 5/2010 dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh.
Nguồn giống được đánh bắt tại vùng biển địa phương với giá mỗi con tôm nhí khoảng từ 150.000-180.000 đồng. Sau 8 tháng nuôi, tôi thu hoạch được gần 520kg tôm hùm thương phẩm, trọng lượng bình quân đạt trên 900 gam/con, với giá thị trường trên 1,2 triệu đồng/1kg, trừ chi phí còn lãi hơn 620 triệu đồng…
Để nuôi tôm hùm lồng đạt kết quả như vậy, ông Trung đã học hỏi và ứng dụng thấu đáo các quy trình kỹ thuật. Ông đã đầu tư trên 170 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để mua các loại vật liệu như đá chẻ, tre, dương liễu, thùng phuy, bao tải… làm 8 chiếc lồng nuôi với diện tích 64m2, 640 con tôm nhí giống có trọng lượng từ 100-120g/con và gần 7 tấn thức ăn. Hàng ngày, ông quẩn quanh trên các lồng nuôi để kiểm tra, theo dõi quá trình tăng trưởng của đàn tôm hùm.
Bất kỳ một đổi thay nào cũng được ông phát hiện kịp thời và có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết. Theo ông Trung: Một trong những yếu tố thuận lợi là các chỉ tiêu, thông số môi trường vùng nước biển nuôi tôm hùm ở địa phương luôn đạt yêu cầu quy định. Nhiệt độ nước biển dao động từ 30-320C; độ mặn ở mức 29-32%o. Lượng thức ăn sử dụng tăng dần đều theo sự phát triển của đàn tôm, không để dư thừa hoặc thiếu hụt. Chính vì vậy, đàn tôm hùm không phát sinh dịch bệnh, chóng lớn, tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%.
Song, cái khó của nuôi tôm hùm là không chủ động được nguồn giống, phải mua tôm nhí giống đánh bắt từ tự nhiên nên phụ thuộc vào mùa vụ và khó lựa chọn kích cỡ. Mặt khác, phải chọn loại tôm hùm bông vì nó thích nghi với điều kiện thời tiết, môi trường biển ở địa phương, lại mau lớn, thịt ngon, được thị trường ưa chuộng hơn các loại tôm hùm khác.
Từ thành công trong nuôi tôm hùm lồng của ông Trần Ngọc Trung cho thấy, có thể khuyến khích phát triển rộng ở các vùng ven biển trong huyện Bình Sơn. Nó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khả quan mà còn góp phần đa dạng vật nuôi thủy – hải sản của vùng, đáp ứng các nhu cầu của thị trường thực phẩm, nhất là khi khu kinh tế Dung Quất đang ngày càng phát triển.
Ông Vũ Thế Sơn, Quyền Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn cho biết: Nuôi tôm hùm lồng ven biển là một cách làm hay, vấn đề đặt ra là người nuôi phải có sự đầu tư thỏa đáng, tuân thủ đúng các quy trình, biện pháp kỹ thuật nuôi, trong đó chú ý hàng đầu đến việc chọn lựa con giống đảm bảo chất lượng và phòng ngừa bệnh. Thời gian nuôi tôm hùm tương đối dài ngày cho nên phải tính toán cụ thể để đề phòng những rủi ro, bất lợi của thời tiết. Tốt nhất là thả nuôi sớm, bắt đầu từ tháng 1 hoặc 2 âm lịch hàng năm để kết thúc trước mùa mưa bão.
Tags: nuoi tom hum ven song, mo hinh kinh te, thuy san