Đó là gia đình anh Trần Văn Hưởng ở tỉnh Trà Vinh, qua nhiều năm nuôi thử nghiệm đã thành công với mô hình nuôi cá bống tượng.
Anh Hưởng cho biết: Gia đình tôi sinh sống bằng nghề nuôi tôm sú, cua biển, sau mỗi đợt thu hoạch đã bắt được vài con cá bống tượng có trọng lượng khá lớn và rất nhiều cá nhỏ.
Tìm hiểu được biết con cá bống tượng ngoài phát triển và thích nghi ở vùng nước ngọt thì cá còn sống và sinh trưởng tốt ở vùng nước lợ. Năm 2005, gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi thả 20.000 con cá giống thử nghiệm trên diện tích 2.000m2, phần lớn là sử dụng các loại thức ăn tươi sống như: trùn quế, ruốc tươi và các loại cá biển vụn sẵn có. Sau 18 tháng nuôi, kết quả thật bất ngờ khi thu hoạch được 2 tấn cá thương phẩm, giá bán cá loại 1 khoảng 290.000 đồng/kg, loại 2 giá 210.000 đồng, loại 3 90.000 đồng, doanh thu trên 400 triệu đồng.
Qua 3 năm nuôi thành công đạt hiệu quả cao, anh Hưởng đúc kết được những kinh nghiệm và khuyến cáo bà con nông dân nên thả mật độ khoảng 5 con/m2 để tiện cho việc chăm sóc và hạn chế rủi ro, ao nuôi có độ sâu từ 1,2 – 1,4m, đáy ao phải bằng phẳng, diệt các loại cá tạp thật kỹ. Cho cá ăn một lần trong ngày vào lúc chiều mát 4-5 giờ chiều, khẩu phần ăn chỉ chiếm 5% so với trọng lượng thân là đạt. Trong quá trình nuôi bà con nên xử lý môi trường nước định kỳ 30 ngày/lần để làm sạch môi trường nuôi và ngừa bệnh cho cá.
Theo tính toán của anh Hưởng, với 1.000 m2 mặt nước thả mật độ 5.000 con cá bống tượng giống, cho dù hao hụt nhiều thì người nuôi vẫn đạt lợi nhuận rất cao (thả 5.000 con cá bống tượng, trừ tất cả chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng, chỉ cần thu hoạch 500 con cá bống tượng thương phẩm bán vẫn có lãi khoảng 70 triệu đồng). Cá bống tượng thương phẩm hiện nay giá 300.000 – 320.000 đồng/kg (loại nhất từ 0,5 kg đến 0,8 kg/con); loại 2 cỡ 0,4 kg/con, giá khoảng 200.000 đồng/kg, có thời điểm giá cá bống tượng thương phẩm đạt chuẩn xuất khẩu lên đến 380.000 đồng/kg (loại 0,6 – 0,8 kg/con).
Sau thành công nuôi cá thương phẩm, đầu năm 2007 do nhu cầu phát triển nghề nuôi cá bống tượng, nên con giống trở nên khan hiếm, anh Hưởng quyết định chọn lựa từ nguồn cá nuôi giữ lại khoảng 400 cặp cá bố mẹ để sản xuất giống nhân tạo.
Qua tham khảo tài liệu về kỹ thuật, đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm thực tế ở nhiều nơi như Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang… anh phát hiện cách làm cho cá bống tượng đẻ không khó: Trứng cá bống tượng thuộc loại trứng dính, chỉ cần chất gạch ngói xuống đáy hồ thì khi cá đẻ trứng sẽ bám trên gạch ngói, sau đó thu trứng bằng cách đưa gạch lên đem trứng đưa vào bể ấp có chạy máy tạo thêm ôxy cung cấp cho trứng phát triển qua từng giai đoạn sẽ nở thành cá bột, tuy nhiên phải chịu khó để thực hiện khâu ương dưỡng lên con giống mới là quan trọng, đó là thường xuyên theo dõi và thực hiện tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật sản xuất giống, đặc biệt chú ý chất lượng nguồn nước và đảm bảo nguồn ôxy, thức ăn… trong suốt thời gian ương dưỡng lên cá giống.
Anh Hưởng hớn hở khoe: “Gia đình tôi đang có khoảng 500 cặp cá bống tượng bố mẹ, sản xuất giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cá đưa vào sinh sản tốt nhất là cá có trọng lượng khoảng 0,5 kg/con, tỷ lệ đực-cái là 3:7. Một con cá bống tượng mẹ sau khi đẻ 3 – 4 lần thì phải loại bỏ và chọn đàn cá mẹ hậu bị để thay thế. Thời gian cá đẻ 1 lần/tháng, vì vậy phải chuẩn bị đàn cá hậu bị thay đổi liên tục mới đảm bảo được chất lượng cong giống cung cấp cho người nuôi thương phẩm. Trung bình tỷ lệ đạt ương dưỡng giống đạt khoảng 50%. Với giá cá bống tượng giống 1.000 – 1.200 đồng/con (50 ngày tuổi). Trung bình mỗi năm anh thu nhập thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng từ bán cá giống.
Nghe tin anh nhân giống thành công cá bống tượng, nhiều bà con nông dân, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đến tham quan và mua cá giống. Anh Hưởng cho biết, từ đầu năm 2007 đến nay ngoài nuôi cá thịt, anh còn sản xuất và bán được 210.000 con cá bống tượng giống cho người nuôi. Hiện nay gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá thịt lên đến 2 ha và 4 ha diện tích cho khu sản xuất giống bống tượng cung cấp cho thị trường.