Nếu có dịp ra Bình Thuận, Ninh Thuận thì bà con mình dễ dàng bắt gặp những vườn táo tươi tốt. Bây giờ ở ngoài đó, người ta trồng nhiều táo lắm! Có nơi còn coi cây táo là cứu tinh, là nguồn thu nhập chính của gia đình…
Trồng táo đúng cách sẽ cho năng suất cao. Ảnh T.L
Cây táo ta là loại cây quen thuộc của dân mình. Suốt từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng trồng được táo. Táo dễ trồng, dễ sống, mau cho quả và lại cho năng suất cao. Táo là loại quả ngon, có vị chua ngọt, giàu vitamin, được dùng để ăn tươi, ăn khô, làm rượu, làm mứt, làm nước giải khát… Nó còn được coi là một vị thuốc tăng sức khỏe cho con người. Người già, người trẻ đều thích ăn táo. Vì vậy, táo là một mặt hàng bán rất chạy. Ít khi thấy táo bị ế. Đặc biệt vào dịp tết, khi người ta ăn quá nhiều các thức ăn giàu đạm và uống quá nhiều rượu, lúc đó họ lại nghĩ tới đĩa táo. Táo không phải là loại quả sang trọng nhưng lại là loại quả rất phổ biến và tiện dùng.
Có rất nhiều giống táo, cả giống trong nước và giống nhập ngoại. Nhưng hiện nay, phổ biến vẫn là các giống táo của Đài Loan và Thái Lan. Giống táo rất sẵn, cơ sở làm giống nào cũng có. Táo được nhân giống bằng phương pháp ghép. Ghép chúng cũng dễ nên giá cây giống không cao.
Táo không kén đất, đất nào cũng trồng được. Chỉ lưu ý, tránh trồng chúng ở nơi bị ứ nước. Mặt khác, nó là cây có tiềm năng cho năng suất rất cao, do đó, nên trồng ở những nơi đất tốt, tơi xốp, đủ nước và có nhiều chất mùn. Ta phải đào hố và bón lót trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng. Táo bén rễ rất nhanh. Nếu đủ phân, chúng lớn lên rất mau. Rễ táo có thể ăn sâu tới hơn 1m và lan rộng gấp 5 – 6 lần đường kính tán lá của nó. Vì vậy, thân chúng rất chắc. Có nơi còn dùng táo làm cây chắn gió.
Táo trồng đầu năm thì cuối năm đã có quả. Muốn cây phát triển tốt thì số quả lứa đầu ta bỏ đi hoặc bỏ bớt đi để tập trung dinh dưỡng cho cây phát triển. Từ năm thứ hai trở đi, táo cho năng suất rất cao nếu như chúng ta cung cấp cho nó đủ phân và nước. Ở phía Bắc, táo thường ra hoa từ tháng 8 – 9. Nó ra rộ vào tháng 10. Quả được thu vào tháng 12 trở đi. Còn ở phía Nam, ta thấy táo ra hoa quanh năm. Sau khi thu hết quả và ta tiến hành đốn cành thì chỉ 1 – 2 tháng nữa là nó lại ra hoa. Tuy nhiên, táo thường tập trung ra hoa vào hai thời điểm từ tháng 2 – 3 và tháng 9 – 10.
Xin lưu ý, 2/3 lượng phân cần bón ta tập trung bón khi cây vừa thu hoạch kết quả; còn 1/3 sẽ bón vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Phải đào rãnh quanh gốc để bỏ phân, sau đó lấp lại. Ở một số nơi, bà con vét bùn ao lên và phơi khô. Sau đó, tán nhỏ chúng ra và bón cho gốc táo. Hiệu quả cũng rất tốt.
Muốn táo cho năng suất cao, còn có một biện pháp rất hay là khoanh vỏ: ta chọn thời điểm hoa táo ra rộ, dò từ trên ngọn xuống, tới chỗ nào cành cho hoa ít hoặc không ra hoa thì ta tiến hành khoanh vỏ. Ta khoanh 1 lớp vỏ rộng khoảng 2cm quanh thân. Lưu ý, không để sót 1 sợi xơ nào. Như vậy là ta đã cắt đường vận chuyển nhựa luyện từ trên lá xuống phần gốc, lúc này, chất dinh dưỡng dồn cả vào các cành mang hoa, ta dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường số quả trên cây nhiều hơn và quả cũng lớn hơn. Vì rằng, chất dinh dưỡng đã làm cho cuống hoa chậm hóa bền, nên nó lâu rụng. Ong, bướm có dịp thụ tinh tiếp cho hoa nên số hoa đậu sẽ cao hơn. Mặt khác, do tiếp nhận nhiều dưỡng chất nên quả sẽ to hơn, thậm chí, nó to gấp rưỡi quả ở cành không được khoanh vỏ. Vì vậy, năng suất của cây táo sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Lúc này, điều cần lưu ý nhất là ta phải chống cho cành. Vì quả quá nhiều và to hơn nên cành rất dễ gãy. Gãy là mất ăn!
Sau khi thu hoạch, ta tiến hành đốn cây. Lưu ý, điểm đốn phải nằm ở phía dưới của nơi ta đã khoanh vỏ. Làm đúng như vậy, bà con sẽ có được những vụ táo bội thu.