1. Điều kiện ao ương
– Diện tích ao từ 300 – 1.000m2 là phù hợp và dễ cho công tác chăm sóc và quản lý.
– Độ sâu mực nước ao: từ 1,2 – 1,5m; độ dày lớp bùn 15 – 20cm.
– Có nguồn nước không bị ô nhiễm, thuận tiện cho việc cấp và thay nước.
– Bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ. Vì khi rò rỉ hình thành dòng nước chảy, cá tập trung nhiều vào đó không kiếm được mồi sẽ gầy yếu, đồng thời cá dữ cũng theo nước chảy mà lọt vào ao. Những ao bị rò rỉ không chủ động điều tiết mực nước, mất chất màu mỡ, cá sinh trưởng kém và tỷ lệ hao hụt cao.
– Ao cần thoáng để có ánh sáng đầy đủ là điều kiện thuận lợi cho sinh vật phù dù phát triển tạo nguồn thức ăn tốt cho ương cá chép giống.
2. Chuẩn bị ao ương
– Tát cạn vét bùn chỉ để lớp bùn dày 15 – 20cm.
– Tạt vôi cho ao nuôi từ 7 – 10 kg vôi bột để tả cho 100m2 diện tích ao nuôi hoặc 30 – 35kg cho 1 sào ao bắc bộ. Đối với những ao không tát cạn hết nước hoặc có độ chua cao cần tăng lượng vôi bón lên 10 – 15kg vôi bột cho 100m2 diện tích ao. Tẩy vôi vào những ngày nắng sẽ có tác dụng: Diệt trừ cá dữ, trứng ếch nhái hoặc nòng nọc, một số loại côn trùng có hại, các ký sinh trùng gây bệnh; giải phòng một số chất khoáng bị giữ lại trong bùn; giảm độ chua của ao; giữ độ pH trong ao ổn định.
– Phơi đáy ao tuy thuộc điều kiện thời tiết những ao có độ chua cao không nên phơi nứt nẻ.
– Bón phân: sau tẩy vôi 3 ngày, tiến hành bón phân: phân chuồng cần được ủ với 10 – 15% vôi bột trong thời gian 1 tháng. Liều lượng đối với phân chuồng sau khi đã được ủ hoai bón bằng cách rải đều khắp ao từ 20 – 30 kg phân còn đối với phân xanh là 50 kg cho 100 mét vuông (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh, không dùng những cây có tính đắng, cay…). Lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 đến 7 kg dìm ở góc ao. Việc bón phân nhằm mục đích tăng cường các chất dinh dưỡng cho đáy ao, gây nuôi các loại sinh vật nổi có kích thước nhỏ bé phát triển làm thức ăn cho cá để sau khi thả là cá đã có sẵn thức ăn ngay. Thời gian bón lót thích hợp nhất là 6 – 7 ngày trước khi thả cá. Bón sớm quá các loại địch hại có thời gian sinh sản phảt triển.
– Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 – 0,4 mét giúp cho quá trình phân hủy phân bón nhanh hơn, ngâm 2 đến 3 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1,2 – 1,5 mét sau đó xử lý bằng một số loại chế phẩm sinh học như EMC, BioDW, Bio Bac. Lưu ý khi lấy nước vào ao cần lọc qua lưới lọc có kích thước mắt lưới nhỏ để loại bỏ cá tạp đặc biệt là cá rô phi con hoặc các loài địch gây hại cá giống.
Công việc chuẩn bị ao xong trước ngày thả cá giống 3 – 5 ngày. Nếu chuẩn bị ao quá sớm, ngoài 10 ngày trở ra thì các loài sinh vật địch hại phát triển trở lại, khi đó phải chuẩn bị lại lần nữa thì rất tốn công và lãng phí phân.
3. Mật độ cá thả
– Chọn những cá khỏe mạnh kích cỡ đồng đều, không dị hình, không dị tật.
– Mật độ cá thả 10 – 15con/m2
4. Chăm sóc và quản lý
– Bón phân gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi: Dùng phân chuồng ủ hoai với 10% vôi, mỗi tuần bón 2lần, mỗi lần bón 6-7kg/100 m2 ao. Phân xanh bón 1 tuần 1 lần, mỗi lần khoảng 12kg/100 m2 ao.
– Về thức ăn tinh: Cá chép ở giai đoạn này đã chuyển sang ăn các loại động vật đáy, sinh khối động vật trong ao lại rất thấp, vì vậy việc cung cấp thức ăn tinh ở giai đoạn này là tối cần thiết, được cung cấp từ tuần đầu đến tuần cuối.
+ Từ tuần 1 – 2, lượng thức ăn tinh từ 4-5kg/1vạn cá
+ Tuần thứ 3-4, cho ăn 9kg/1vạn cá
+ Tuần 5-6, cho ăn 15kg/1vạn cá.
Thức ăn tinh được hoà với nước ở dạng sền sệt thả xung quanh ao, cố định từ 4-8 điểm trong quá trình ươm.
Quản lý ao ương: Ao ương cá chép càng về sau càng đục nên không phải đùa khuấy mà chỉ cần kiểm tra độ sinh trưởng của cá.
Thu hoạch: Dùng lưới cá giống kéo khoảng 3 lần, sau đó gạn ao thu hoạch toàn bộ. Cá giống có thể đưa lên giai, bể luyện từ 8-12 giờ trước khi vận chuyển đi xa.
Chú ý: Ao ương cá chép cũng nên ghép với cá mè và một ít trắm cỏ để tận dụng thức ăn trong nước.
Tags: uong nuoi ca chep, ca huong, ca giong