Kỹ thuật trồng xoài Tứ quý cho quả to, sai trĩu cành đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể biết áp dụng đúng cách chăm sóc để đạt được năng suất như ý muốn.
Kỹ thuật trồng cây xoài Tứ quý bằng phương pháp ghép cành là tốt nhất. Ảnh minh họa
Kỹ thuật trồng cây xoài tứ quý khá thuận lợi về thời tiết, cây giống, hiếm sâu bệnh, đặc biệt ít khi bị sâu đục thân như những giống xoài khác.
Xoài Tứ quý – một giống xoài có kích thước và trọng lượng khủng, lên tới 2kg đang gây sốt, được trồng nhiều tại các vùng Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre. Đây là giống xoài nổi tiếng nhất nhì ở miền Tây vì cho trái to và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu, trên thị trường, giá xoài khổng lồ này dao động từ 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng. Vì thế nếu muốn làm giàu từ loại quả này cần biết cách áp dụng những bước kỹ thuật trồng xoài khoa học nhất sẽ đem đến năng suất cực cao. Dưới đây là một vài bước hướng dẫn cơ bản nhất cho bà con tham khảo.
Chọn giống để ghép, chiết cành
Một đặc điểm giống với các loại cây xoài khác, xoài Tứ quý cũng được trồng bằng nhiều biện pháp khác nhau như gieo hạt, chiết cành, ghép, …nhưng biện pháp được người dân hay thực hiện nhất và dễ nhất vẫn là ghép cành. Giống được ghép trên gốc ghép là giống xoài bưởi hoặc xoài hôi, cây được ươm trong bầu nilon màu đen có chiều cao 20-22cm, đường kính bầu 12cm. Chú ý phải hết sức cẩn thận nếu không được để bầu bị dập, vỡ.
Kỹ thuật trồng cây xoài Tứ quý
Sau khi đã có bầu cây bằng cách ghép cành hay chiết hãy đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố, rạch bỏ túi bầu nilon và đặt bầu cây vào giữa hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh. Sau đó cắm 2 cọc chéo vào cây và buộc dây để tránh lay gốc làm chết cây. Sau khi trồng hãy ủ xung quanh gốc bằng rơm, rác mục và tưới nước giữ ẩm cho cây liên tục trong một tháng đầu. Sau trồng 1 tháng cây ổn định, rạch nilon ở vết ghép để cây sinh trưởng, phát triển.
Để giúp cây tạo tán và phát triển nhanh, khi cây phát triển được 3 lá thì nên bấm bỏ đọt. Khi cây ra chồi thứ cấp, chọn 3 chồi phát triển mạnh nằm theo hình tam giác đều, bấm đọt như trên, để cho đến khi chồi non của 3 chồi này mọc ra đủ 3 lá nữa thì bấm ngọn tiếp. Cứ thế bấm đọt đến lần thứ 3 thì thôi, để cho cây phát triển ngoài thiên nhiên.
Cách chăm sóc cây xoài Tứ quý
Cách chăm sóc cây xoài Tứ quý không mấy phức tạp chỉ cần bạn đảm bảo yêu cầu đủ nước, đủ phân và làm cỏ dại sạch sẽ để tạo sự thông thoáng cho cây phát triển ổn định là được.
Việc bón phân phải theo chu kỳ, hàng năm nên bón từ 200-400g phân NPK 16-16-8 và khoảng 200g phân urê, lượng phân này được chia làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Ngoài ra , nên bón bổ sung từ 1-3 kg phân KOMIX chuyên dùng cho cây ăn quả để bổ sung chất hữu cơ cho đất giúp cây xoài phát triển ổn định.
Kỹ thuật trồng cây xoài Tứ quý nên chú ý tới việc cắt tỉa cành.
Kỹ thuật xử lý ra hoa sớm
Việc xử lý cây xoài Tứ quý ra hoa nhiều mới là công việc cần phải chú ý nhiều tránh tình trạng vào vụ thu hoạch rộ thì bị rớt giá. Việc làm này không phải ai cũng có thể thực hiện được đòi hỏi người trồng phải nắm vững các bước kỹ thuật vững vàng. Đối với cây xoài già thì có khả năng tưới thuốc vào thời điểm cây ra được 1-2 cơi đọt , đối với cây tơ tưới vào lúc cây ra được 2-3 cơi đọt. Tưới khi cây vừa ra đọt cuối khoảng 10cm hoặc ra lá lụa. Để thuận lợi hơn có thể dùng một số loại thuốc ức chế tăng trưởng để tưới như Paclobutrazol 10%, liều lượng 10cc pha với 5-10 lít nước tưới cho 1m đường kính tán và tưới sát gốc, sau đó giữ ẩm 20 ngày. Khoảng 2 tháng sau dùng KNO3 hoặc Dola 02X.
Bảo vệ hoa và trái non trước sâu bệnh hại cây
Việc bảo vệ hoa và trái non là rất quan trọng. Có thể phun thuốc (Pyrinex , Sago Super , Butyl) bảo vệ hoa lần 1 khi phát hoa dài 2-3cm để ngừa rầy chích hút. Lần hai phun khi hoa đạt kích thước tối đa. Sau đó, ngưng phun thuốc để bảo vệ côn trùng có ích giúp hoa thụ phấn. Trong thời kì này, nếu mưa nhiều, nhất là mưa đêm thì sáng hôm sau rung cành cho rụng bớt hoa không thụ phấn, phối hợp phun thuốc phòng trừ nấm gây bệnh thán thư (dùng thuốc Bendazol , Carbenzim , liều lượng theo hướng dẫn).
Lưu ý trong quá trình trồng xoai, cứ hễ mưa xong là phun thuốc. Khi trái non đạt kích tấc đường kính 1-2mm (còn gọi là đậu trứng cá), phun thuốc ngừa bệnh tán thư. Dùng các loại thuốc như Antracol, Viben-C, và phun Pyrinex, Fastac để ngừa sâu rầy. Sau khi xoài đậu trái thường phải qua thời kỳ rụng sinh lý, kéo dài khoảng 35-45 ngày. Qua thời kỳ này thì xoài không rụng nữa. Thời kì này, bao trái là công hiệu nhất nhằm giữ lại việc sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn canh giữ được trái xoài khỏi sâu bệnh hại, vừa giúp cho vỏ xoài trắng đẹp.
Thu hoạch xoài Tứ quý
Khi quả già, vỏ quả hồng sáng, độ chín đặc điểm của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu chuyên chở đi xa thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp rơm hoặc giấy giữa các lớp quả. Sau khi thu hoạch vệ sinh xung quanh tán cây, cắt tỉa cây già, cành sâu bệnh và tiếp tục chăm sóc cho mùa thu hoạch sau.