Phần 1. Hướng dẫn chọn giống cao su và kỹ thuật trồng cây cao su
I. CÁC LOẠI GIỐNG :
1. RRIV 124 (LH 90/952) :
Sản lượng trung bình 9 năm cạo đạt gần 90 g/c/c, ước lượng năng suất trên 3,5 tấn/ha/năm (Sơ tuyển tại Lai Khê). Sản lượng năm đầu thấp hơn PB 235 nhưng tăng rất cao từ năm thứ 3 trở đi, ít giảm sản lượng ở miệng cạo thấp và vượt trên 100 g/c/c ở mặt cạo BO2. Sinh trưởng khỏe trong thời gian KTCB, trên Sơ tuyển tại Lai Khê, vanh mở miệng cạo tương đương PB 235. Tăng vanh trong khi cạo rất tốt, thân thẳng, cao –trử lượng gỗ rất cao. Sinh trưởng khỏe ở nhiều điểm khảo nghiệm trong thời gian KTCB. Chống chịu tốt các bệnh lá.
2. RRIV 109 (LH 83/290) :
Năng suất cao sớm, dẫn đầu trên các vườn sản xuất thử ở An Lộc, Đồng Nai (Cẩm Mỹ), Lộc Ninh; năm đầu đạt trên 1 tấn/ha, từ năm thứ 2 trở đi đạt hơn 2 tấn/ha. Sinh trưởng rất khoẻ trong giai đoạn KTCB – vượt hẳn RRIV 4, vanh mở cạo dẫn đầu ở các vườn sản xuất thử ở Đồng Phú, An Lộc, Đồng Nai. Tăng trưởng tốt trong khai thác.
3. RRIV 5:
Năng suất 2,5 tấn/ha ở vùng thuận lợi, sinh trưởng KTCB rất khỏe – có thể khai thác sau 5 năm KTCB với điều kiện thâm canh (vườn trồng bầu nhiều tầng lá ở Đồng Nai, Phú Riềng). Tăng trưởng trong khi cạo cao, ít nhiễm bệnh, cây hơi cong.
4. PB 255:
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Malaysia từ tổ hợp lai PB 5/51 x PB 32/36, nhập vào Việt Nam năm 1978, được khuyến cáo trồng qui mô vừa từ năm 1991. PB 255 sinh trưởng trung bình đến khá trong thời gian kiến thiết cơ bản, năng suất cao, đạt 1,6 – 2,0 tấn/ha/năm ở Đông Nam Bộ và đạt 1,1 – 1,2 tấn/ha/năm ở Tây Nguyên cao dưới 600 m trong 10 năm đầu khai thác. Ở Quảng Bình, PB 255 sinh trưởng và có sản lượng cao hơn GT1 và PB 235, đạt 1.075 kg/ha/năm trong 4 năm đầu khai thác. PB 255 tăng trưởng khi cạo khá, vỏ nguyên sinh khá dày, nhiễm bệnh phấn trắng và rụng lá mùa mưa trung bình, dễ nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo và nấm hồng, dễ khô mủ, đáp ứng tốt với chất kích thích mủ.
Có thể trồng PB 255 ở nhiều vùng cao su. Là giống kháng gió khá, PB 255 còn được khuyến cáo cho những vùng gió mạnh.
5. PB 260:
Là dòng vô tính được tạo tuyển ở Malaysia từ tổ hợp lai PB 5/51 x PB 49, kháng gió khá tại Malaysia nhưng kém ở Côte D’Ivoire, được khuyến cáo trồng diện rộng trên nhiều nước. PB 260 được nhập vào Việt Nam năm 1978, được khuyến cáo trồng quy mô vừa từ 1994 và được sản xuất rộng từ 1997. PB 260 sinh trưởng trung bình ở Đông Nam Bộ chỉ tương đuơng với GT1, nhưng năng suất cao hơn, trung bình 5 năm đạt 1,1 – 1,7 tấn/ha/năm. Ở Tây Nguyên cao 600 – 700 m, PB 260 sinh trưởng khá và sản lượng vượt hơn GT1, PB 235. Giống này tăng trưởng khi cạo trung bình, nhiễm nhẹ bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa, nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh phấn trắng và loét sọc mặt cạo, dễ khô mủ, phản ứng mạnh khi cạo phạm, xuất hiện các bướu trên vỏ tái sinh.
PB 260 được khuyến cáo các qui mô lớn ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, qui mô vừa ở miền Trung, nên tránh vùng có gió mạnh.
6. RRIV 1 (LH 82/122):
Năng suất 2,5-3 tấn/ha/năm ở vùng thuận lợi, sinh trưởng KTCB khá nhưng tăng trưởng trong khi cạo dưới trung bình; chịu rét khá, ít nhiễm phấn trắng, Corynespora, nấm hồng. Nhược điểm: dễ nhiễm bệnh héo đen đầu lá.
7. RRIV 103 (LH 82/92):
Là giống khởi động chậm, chịu chế độ cạo có kích thích. Năng suất trung bình trên mặt cạo BO1, đạt cao ở giai đoạn sau (2,5 tấn/ha/năm). Đáp ứng bền với kích thích mủ. Thân thẳng, tán cân đối, lá dày xanh đậm. Kháng các bệnh lá quan trọng (phấn trắng, héo đen đầu lá, Corynespora, rụng lá mùa mưa). Nhiễm bệnh nấm hồng trên trung bình nhưng phục hồi tán tốt. Tương đối chịu gió nhưng chịu rét kém, không trồng ở vùng có khả năng xảy ra rét hại.
II. TRỒNG CAO SU
1. Đào hố, bón lót
– Hố có kích thước dài 60 cm, rộng 60 cm, sâu 60 cm, đáy hố rộng 50 cm x 50 cm. Khi đào thủ công phải để riêng lớp đất mặt và lớp đất đáy. Có thể sử dụng cơ giới để đào hố với kích thước hố bằng hoặc lớn hơn. ùng đất rừng khộp dùng máy múc hố.
– Nơi trồng theo đường đồng mức: tâm hố đào cách taluy âm tối thiểu 1,0 m.
– Bón lót: mỗi hố 300g phân lân nung chảy, 10 kg phân hữu cơ hoai mục. Có thể sử dụng các dạng phân hữu cơ vi sinh để bón lót với liều lượng 5 kg/hố.
– Trộn phân lấp hố được thực hiện trước khi trồng ít nhất 15 ngày. Lấy lớp đất mặt lấp khoảng nửa hố, sau đó trộn đều phân hữu cơ, phân lân với lớp đất mặt xung quanh để lấp đầy hố. Cắm cọc ở giữa tâm hố để đánh dấu điểm trồng.
2. Thời vụ trồng
– Trồng đúng thời vụ, chỉ trồng khi thời tiết thuận lợi, đất có đủ độ ẩm. Trồng từ 15/5 đến 15/8.
3. Tiêu chuẩn cây giống
– Tiêu chuẩn tum trần: đường kính của tum đo cách mặt đất 10 cm từ 15 mm trở lên đối với trồng trực tiếp và 12 mm trở lên đối với sử dụng làm tum bầu có tầng lá. Tum không bị dập, tróc vỏ, rễ cọc thẳng, mắt ghép sống và tiếp hợp tốt. Tum chuyển từ nơi khác đến phải bảo đảm thời gian không quá 7 ngày sau khi bứng và được bảo quản tốt khi vận chuyển. Sau khi xử lý để trồng, rễ cọc dài ít nhất 40 cm tính từ cổ rễ.
– Tiêu chuẩn tum bầu có tầng lá: chồi ghép có ít nhất hai tầng lá ổn định, khoẻ. Bầu đất không bị bể, cây không bị long gốc.Quy trình kỹ thuật cây cao su
4. Trồng tum
– Tum chuyển từ xa đến cần được xử lý lại với hỗn hợp hồ rễ, xếp đứng tum trong hố giữ ẩm. Chọn cây có mắt ghép nứt mầm trồng trước.
– Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây quanh hố, dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng sâu từ 15 cm đến 20 cm rồi dùng cây xăm nhọn chọc lỗ sâu bằng chiều dài rễ tum. Đặt tum thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Dùng cây xăm ém chặt đất vào đuôi rễ tum. Lấp hố lại bằng phần đất vừa lấy lên và dậm kỹ để đất bám chặt vào rễ tum. Sau cùng, xới đất tạo bồn quanh gốc tum, phủ đất ngang mí dưới mắt ghép.
5. Trồng bầu cắt ngọn và bầu có tầng lá
– Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây… xung quanh hố, sau đó dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng trong hố vừa lớn hơn bầu đất và sâu tương ứng với chiều cao bầu.
– Dùng dao bén (sắc) cắt sát đáy bầu và phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu. Trường hợp rễ cọc bị xoắn ở trong bầu thì phải cắt hết phần rễ xoắn.
– Đặt bầu vào hố cho thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất.
– Rạch bầu PE theo đường thẳng đứng rồi kéo nhẹ túi bầu lên. Kéo túi bầu tới đâu thì lấp đất để nén chặt bầu tới đó. Chú ý không làm bể bầu.
6. Trồng tum bầu có tầng lá
– Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây quanh hố. Sau đó dùng cuốc móc đất ngay điểm trồng tạo hố trồng vừa lớn hơn bầu đất và sâu tương ứng với chiều cao bầu.
– Khi cắt đáy bầu tránh phạm vào rễ cọc tum (rễ gốc tum cắm). Đặt bầu thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất. Rạch túi bầu PE theo đường thẳng đứng từ dưới lên, vừa lấp đất vừa kéo túi bầu và dậm quanh đến khi đầy hố.
– Không dậm sát gốc để tránh bể bầu đất. Sau cùng, xới đất tạo bồn quanh gốc, phủ đất ngang mí dưới mắt ghép.
– Nếu trồng bầu có tầng lá trên đất dốc, nên trồng sâu cách mặt đất 5 cm để tránh xói mòn và hiện tượng chân voi. Với cây con có 4 – 5 tầng lá, sử dụng cây chống để tránh ngã, đổ sau khi trồng.
7. Trồng dặm
– Trồng dặm định hình vườn cây ngay trong năm thứ nhất, chậm nhất là năm thứ hai. Trồng dặm bằng cây con đúng giống và có mức sinh trưởng tương đương với cây trên vườn.
– Trồng dặm trong năm thứ nhất:
+ Đối với vườn trồng tum, trồng dặm lần thứ nhất những cây chết và cây có mắt ghép chết sau khi trồng 1 tháng, trồng dặm lần thứ hai những cây chết và cây mắt ngủ sau khi trồng 2 tháng.
+ Đối với vườn trồng bằng tum bầu có tầng lá, trồng dặm cây chết sau khi trồng hai mươi ngày. Dùng tum bầu có hai tầng lá ổn định trở lên để trồng dặm.
+ Số lượng cây giống cần được chuẩn bị để trồng dặm so với số lượng cây trồng mới trong năm thứ nhất là: 10% đối với phương pháp trồng bầu và tối đa 25% đối với phương pháp trồng tum.
– Trồng dặm trong năm thứ hai: bằng bầu hoặc tum bầu có trên 3 tầng lá. Số lượng cây chuẩn bị dự kiến là 5% hoặc theo kết quả kiểm kê cuối năm thứ nhất để chuẩn bị đủ cây trồng dặm vào đầu vụ trồng mới.