II- Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
A- Kỹ thuật trồng:
1- Chọn đất:
Dừa là cây rất dễ trồng, không kén đất, nhưng thích hợp nhất là trên đất phù sa, đất cát pha, đất có hiều hữu cơ và đặc biệt đất có hàm lượng kali dồi dào, tầng canh tác dày ít nhất là 0.5 mét.
2- Chuẩn bị đất trồng:
* Đối với đất ruộng: Trước khi lên liếp trồng dừa, nên gom lớp đất mặt ruộng dùng để đấp mô trồng với kích thước mô: chiều rộng có đường kính nhỏ nhất 1 mét, chiều cao tùy vào địa hình của đỉnh triều cường hàng năm nhưng sao cho đỉnh mô cách đỉnh triều cường ít nhất 0.5 mét. Sau đó tiến hành lên liếp hoặc để trồng dừa xen lúa khoảng 2 năm sau lên liếp cũng tốt, mục đích là lấy ngắn nuôi dài
* Đối với đất vườn cũ:
Trước khi trồng nên gom lớp đất mặt để vun mô nếu đất thấp thì ta vun cao như đất ruộng, nếu liếp cao thì không cần vun cao mà làm sao cho không bị úng trong mùa mưa là đạt, riêng kích cỡ mô nên giống như đất ruộng.
3- Khoảng cách trồng:
Khoảng cách trồng 5m x 5m và trồng theo kiểu nanh sấu hoặc hình vuông.
4- Bón lót:
Sau khi đã chuẩn bị mô và hố trồng xong, trước khi xuống giống khoảng 15 – 20 ngày nên bón lót mỗi mô: phân hữu cơ khoảng 20 – 30 kg + 100g super lân + 200g kali, trộn đều và lấp kín lại bằng mặt mô.
5- Đặt cây con:
Sau khi đã chuẩn bị xong cây giống và đất trồng, tiến hành đặt cây con trên mô hoặc hố trồng; đầu tiên đào một hố tương đương với kích cỡ của trái dừa giống; cây giống nếu ươm trong bầu nylon thì dùng dao bén cắt đáy bầu, sau đó đặt bầu vào hố đã đào, kéo túi bầu lên khỏi thân cây, cuối cùng lấp đất lại cho bít trái là đạt, nếu cây giống cao quá 0.8 mét thì ta nên cắm cây cột giữ chặt tránh gió làm lung lay gốc ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Chú ý không nên đặt trái quá sâu vì như thế cây sẽ chậm phát triển, cũng không nên đặt trái quá cạn, tức là lấp đất không bít trái thì sau này gốc cây sẽ phình to. Đối với giống ươm ngoài đất, khi bứng cây lên nên xử lý trái trước khi trồng bằng cách là cắt tất cả rễ cho sát trái, mục đích là kích thích cho cây phát triển bộ rễ mới nhanh hơn, nếu để nguyên không cắt rễ thì phải chờ thời gian cho bộ rễ cũ thối đi, cây mới phát triển bộ rễ mới; thời gian này kéo dài ít nhất 20 – 30 ngày và nguy hiểm hơn nữa đây là môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh tấn công rễ non vừa phát triển. Các phần còn lại thì thao tác giống như dừa ươm trong bầu.
B- Kỹ thuật chăm sóc:
1- Thời kỳ kiến thiết cơ bản: (cây từ 1 – 3 năm tuổi).
Cây con sau khi trồng rất cần nước, nếu giai đoạn này thiếu nước cây sẽ chết. Vì vậy, để giữ đủ ẩm cho cây ta nên dùng rơm, rạ, cỏ khô tủ gốc cây trong mùa nắng; khoảng 2 – 3 ngày tưới cây 1 lần tùy vào ẩm độ ở gốc. Năm đầu tiên nên bón cho cây mỗi gốc 0.5kg phân NPK: 15-15-15 và chia làm 02 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Cách bón là xới nhẹ quanh gốc và bón rải đều sau đó cào đất lấp phân lại và tưới nước cho tan phân để cây dễ hấp thu. Giai đoạn này cần quan tâm đến bọ cánh cứng (bọ dừa) tấn công đọt non làm cây chậm phát triển, nếu nặng có thể chết cây.
Bắt đầu từ năm thứ 2, hằng năm nên đắp thêm đất thêm vào mô để tạo điều kiện cho rễ phát triển (trên đất ruộng), hoặc bồi bùn mỗi năm 1 lần vào đầu mùa nắng (đất liếp vườn cũ). Phân bón cũng có thể sử dụng NPK: 15-15-15 nhưng liều lượng mỗi gốc 0.75kg và chia làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Năm thứ ba cũng chăm sóc như năm thứ hai nhưng lượng phân bón tăng lên 1kg/gốc. Giai đoạn này nếu cây dừa được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì sau 26 – 28 tháng cây sẽ cho hoa đầu tiên.
Chú ý: ở giai đoạn này cần lưu ý kiến vương thường hay tấn công cây làm cho đọt non bị cong queo, nếu chúng tấn công trúng đỉnh sinh trưởng thì cây sẽ chết, những vết đục của kiến vương là nơi tốt nhất để đuông dừa tấn công. Vì vậy, ở giai đoạn này nên chọn những cây ngắn ngày như dưa leo, cà chua, đậu búng, so đũa… trồng xen vào vườn dừa để lấy ngắn nuôi dài và đặc biệt các cây trồng xen này sẽ là môi trường ngăn chặn sự tấn công của kiến vương và đuông dừa.
2- Thời kỳ kinh doanh:
Giai đoạn này cây đã cho trái ổn định và bắt đầu đi vào thời kỳ kinh doanh vì thế quá trình chăm sóc cây cần phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn để cây cho năng suất cao và ổn định.
* Chăm sóc: hàng năm nên bồi bùn cho cây 1 lần vào đầu mùa nắng, hoặc nếu có điều kiện nên bón cho cây từ 30 – 50 kg phân hữu cơ hoai mục/gốc, tỉa dần cây trồng xen và giữ cỏ dại hợp lý sao cho cây có đầy đủ ánh sáng để quang hợp, tránh việc để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với dừa hay dây leo chằng chịt trên cây làm cây giảm quang hợp.
* Bón phân: theo các tài liệu nghiên cứu của Viện dầu Thực vật Việt Nam và Tung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bến Tre thì đối với cây dừa vào thời kỳ kinh doanh cần bón phân với công thức theo tỷ lệ urê – Super lân – Cloruakali: 0.8kg – 1.5kg – 1,5kg / cây/năm và được chia làm 2 lần bón trong năm, đầu và cuối mùa mưa.
Cách bón: mỗi lần bón đào rảnh ½ vòng tròn gốc và cách gốc 1.5 – 2 mét, sâu 0.15 – 0.2, rộng 0.2 mét sau đó bón phân vào rảnh đã đào rồi lấp đất lại, cuối cùng tưới nước cho phân tan.
Theo kinh nghiệm của tôi thì đối với cây dừa cũng sử dụng công thức phân trên để bón cho, nhưng số lần bón khác hơn phương pháp trên là không phải chia ra 2 lần bón trong năm mà nên chia ra làm 6 lần bón trong năm và bón rải đều xung quanh gốc, nhưng trước khi bón nên dùng cào sắt xới nhẹ quanh gốc, cách gốc khoảng 1.5 – 2 mét, sau đó bón phân lên và tưới nước. Nếu làm được như thế thì việc tăng công lao động trên một đơn vị diện tích là điều tất nhiên, nhưng ta có thể tiết kiệm được phân bón bị mất đi do trực di, bốc hơi, rửa trôi trong thời gian phân phải nằm chờ rễ hấp thu; đặc biệt hơn nữa, việc chia làm nhiều lần bón như trên sẽ làm cho cây không bị thiếu hụt dinh dưỡng, như vậy cây sẽ sinh trưởng, phát triển và có khả năng cho năng suất quanh năm, có thể hạn chế phần nào dừa treo do thiếu dinh dưỡng. (chú ý trong mùa nắng nên tưới nước đầy đủ cho cây, khoảng 2-3 ngày tưới một lần là tốt nhất và liều lượng phân bón có thể tăng, giảm tùy theo năng suất của cây hàng năm).
Trong giai đoạn cây dừa khoảng 4 – 6 tuổi, hàng năm nên tổng vệ sinh cây từ 1-2 lần như: dọn dẹp tất cả các nhen, bông mo khô, tàu dừa khô dính lù xù trên cây, rọc các nhen còn dính quá chặt trên đọt để giúp lá bung nhanh, cây phát triển tốt hơn; ngoài ra, dọn dẹp sạch nhen, bông mo, tàu dừa khô cũng là một phương pháp phòng ngừa kiến vương tấn công dừa rất hiệu quả, song song đó ngừa luôn cả đuông dừa.